Vì sao Nga triển khai S-400 lên vùng Bắc cực hoang vắng?

Vì sao Nga triển khai S-400 lên vùng Bắc cực hoang vắng?
TPO - Vì sao Nga triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không tầm xa S-400, hệ thống phòng không tầm gần Tor-M2DT và các tên lửa chống hạm Bastion lên vùng Bắc cực? Lý do là bởi họ coi đây là nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng trong tương lai, trong lúc một số cường quốc khác cũng đã bắt đầu nhòm ngó vùng cực bắc trái đất.

Nga tăng cường các nỗ lực kiểm soát kinh tế và quân sự đối với vùng Bắc cực đang nóng lên, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng Nga không thể “múa gậy vườn hoang” bởi Mỹ cũng đã bắt đầu nhòm ngó lên phía bắc.

Vùng Bắc cực, theo Viện nghiên cứu Chiến tranh, đóng góp 15% GDP của Nga. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Nga ngày 13/3 vừa qua đã đệ trình lên cấp cao hơn một kế hoạch tổng thể khai thác vùng Bắc cực. “Kế hoạch bao gồm hơn 100 dự án khai thác tài nguyên ở khu vực, trong khi diện tích đóng băng ở đây đang thu hẹp”, theo Viện nghiên cứu Chiến tranh,  trụ sở ở Mỹ.

Vì sao Nga triển khai S-400 lên vùng Bắc cực hoang vắng? ảnh 1 Một căn cứ quân sự của Nga ở Bắc cực

Trong khi đó, ngày 20/3, tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động dự án phát triển khu khai thác khí gas Kharasaveyskoye trên bán đảo Yamal, phía bắc nước Nga. "Ông Putin ngày càng ưu tiên đầu tư vào vùng Bắc cực, coi đây là một nguồn tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Nga”.

“Điện Kremlin cũng tiếp tục củng cố quân sự ở vùng Bắc cực”, các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến tranh nhận định.

Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc, đô đốc Nikolay Yevmenov nói các lực lượng vũ trang Nga sẽ sớm hoàn tất việc xây dựng một căn cứ phòng không mới ở làng Tiksi phía trên Vành đai Bắc cực.

Nga đã mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực trong những năm gần đây với các căn cứ quân sự mới, cùng với hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới. Họ cũng triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không tầm xa S-400, hệ thống phòng không tầm gần Tor-M2DT và các tên lửa chống hạm Bastion.

Vì sao Nga triển khai S-400 lên vùng Bắc cực hoang vắng? ảnh 2 Tàu chiến Nga ở Bắc cực

Rõ ràng Nga đang muốn củng cố vị trí thống soái ở vùng Bắc cực để đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên kinh tế mà không phải đối đầu với cạnh tranh đáng kể.

Nhưng họ không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến Bắc cực. Luật chi tiêu ngân sách 2019 mà quốc hội Mỹ bàn thảo nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ có bao gồm ngân khoản 655 triệu USD để đóng/mua mới một tàu phá băng cho lực lượng tuần duyên Mỹ, lần đầu tiên trong 43 năm qua. Ngoài ra còn có ngân khoản 20 triệu USD mua sắm thiết bị cho chiếc tàu phá băng mới thứ hai, sẽ được mua/đóng trong thời gian sau đó.

Hiện nay tuần duyên Mỹ, lực lượng chịu trách nhiệm về nhiệm vụ phá băng của chính phủ Mỹ kể từ năm 1965, mới chỉ có một tàu phá băng hạng nặng là tàu

Polar Star, đưa vào hoạt động từ năm 1976. Ngoài ra còn một tàu mới nhưng nhỏ hơn, khả năng cắt băng cũng thấp hơn là tàu Healy. Tàu này chỉ phá được băng dày tối đa không quá 1,4m, trong khi tàu Polar Star có thể phá băng dày 7m.

Hiện nay đội tàu phá băng của Nga vẫn hùng hậu nhất thế giới. Ít nhất cho đến thời điểm này, họ luôn có hai tàu phá băng nguyên tử đang hoạt động, còn tàu cỡ lớn khác đang được tái trang bị. Bên cạnh đó là rất nhiều tàu phá băng cỡ vừa và cỡ nhỏ.

Việc giới chức Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vùng Bắc cực là tin xấu đối với Nga. Đó là chưa kể một cường quốc khác là Trung Quốc cũng đang tìm cách “xí phần” ở vùng đất hoang vắng chưa được khai phá nhiều.  Nên việc Nga củng cố quân sự ở đây là điều không khó hiểu.

MỚI - NÓNG