Vì sao gói hỗ trợ trả lương ngừng việc mới đạt 0,26%?

0:00 / 0:00
0:00
Vì sao gói hỗ trợ trả lương ngừng việc mới đạt 0,26%?
TP - Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm. Tại phiên họp, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 triển khai rất chậm.

Hỗ trợ tiền mặt đạt 13.100 tỷ đồng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trước tác động bởi dịch bệnh, các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5%. Đáng lưu ý, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương cho công nhân, lao động phải ngừng việc với quy mô 16.000 tỷ đồng mới giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Số tiền giải ngân được là 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp, với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1%. Theo ông Vũ Hồng Thanh, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Theo đánh giá của ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc thực hiện một số chính sách đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả tỷ lệ người được nhận và số tiền trợ cấp.

Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng là nguồn lực lớn, rất quan trọng, nhưng triển khai lại chưa đạt mục tiêu mong muốn. Vì vậy, cần đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và hướng tới sẽ xử lý như thế nào?

Trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, để thực hiện được “mục tiêu kép”, cần đánh giá các gói hỗ trợ trong năm qua để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Theo thống kê có 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ, việc này cần phải xem xét, đánh giá cụ thể.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị rà soát lại, vì ngoài chính sách hỗ trợ, chúng ta còn đang phát động toàn dân đóng góp cho Quỹ phòng chống COVID-19. Do vậy phải tính toán để các đối tượng khó khăn bị thiệt hại được hỗ trợ kịp thời, còn lại dành nguồn lực để mua vắc-xin.

Vì sao gói hỗ trợ trả lương ngừng việc mới đạt 0,26%? ảnh 1

“GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%)”.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Giải pháp được Chính phủ đề ra trong 6 tháng cuối năm là chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, đặc biệt người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%.

Tuy nhiên theo ông Dũng, tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%). Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, do có nhiều đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, dành một buổi riêng để làm các thủ tục Phiên họp trù bị và dự kiến sẽ khai mạc Kỳ họp vào ngày 20/7. Chương trình Kỳ họp thứ nhất sẽ được tiến hành theo phương thức tập trung hoàn thành toàn bộ công tác nhân sự rồi mới tiến hành các nội dung về kinh tế, xã hội và các nội dung khác.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành, địa phương. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đầu tư công là “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành... đến nay vẫn rất chậm.

Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành; đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa. Trong đó, báo cáo thẩm tra cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trọng điểm lớn...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.