Vì sao Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đội vốn lại còn chắp vá

Sau nhiều lần lỗi hẹn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn chưa vận hành chính thức
Sau nhiều lần lỗi hẹn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn chưa vận hành chính thức
TP - Đề cập dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, việc cho phép thiết kế kỹ thuật từng phần thay vì phải được thiết kế tổng thể, dẫn đến chắp vá, gây rủi ro chất lượng.

Đội vốn trên 200%

Tại buổi họp báo chiều 5/7, một trong những điểm đáng chú ý được KTNN nêu ra là tình trạng nhiều dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia, nhưng lại tùy tiện điều chỉnh vốn đầu tư. KTNN dẫn dụ với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Bộ GTVT lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư.

Trả lời câu hỏi nguyên nhân gây đội vốn, kéo dài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Trần Hải Đông, đại diện KTNN Chuyên ngành V cho biết, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, xác định. Quá trình lập dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ, lại thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Mặt khác, do bàn giao mặt bằng chậm, dẫn tới tiến độ thực hiện kéo dài, tăng chi phí nhân công, vật liệu... Cùng với đó, tiến độ thực hiện dự án cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài, nhất là về vốn, dẫn đến nhiều bất cập.

Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ khi triển khai, vận hành thử đến khi chính thức đưa vào hoạt động còn chậm. Trong số rất nhiều nguyên nhân, theo ông Tiên, có khâu thiết kế kỹ thuật chậm. Dự án lẽ ra phải được thiết kế tổng thể, nhưng Bộ GTVT lại cho phép thiết kế kỹ thuật từng phần. “Thấy dự án chậm quá nên Bộ GTVT cho phép thực hiện theo tiến độ, dẫn đến chắp vá, gây rủi ro chất lượng. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần nghiêm túc về vấn đề này”, ông Tiên cho hay.

Tính toán lại thời gian, mức thu phí BOT

KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập khi thực hiện với các dự án BOT trong năm 2018. Theo cơ quan kiểm toán, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, làm tăng tổng mức đầu tư. Điển hình như dự án cầu Việt Trì - Ba Vì; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí...

Cùng đó, việc phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65 của Quốc hội; sử dụng doanh thu từ trạm thu phí bổ sung vốn chủ sở hữu nhà đầu tư trong giai đoạn thi công dự án chưa hợp lý, như dự án cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn (đoạn Km45+100 - Km108+500), kết hợp tăng cường mặt đường QL1 (đoạn Km1+800 - Km106+500), tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT. Một bất cập khác là tình trạng chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, như dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả - quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa.

Qua kiểm toán 8 dự án BOT, KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi, khi triển khai thu phí không dừng, nếu mức thu tăng lên thì có tiếp tục kiến nghị giảm thời gian thu phí? Về việc này, KTNN cho biết, khi đưa ra kiến nghị, Bộ GTVT và chủ đầu tư sẽ làm theo kiến nghị của KTNN và quyết toán lại phương án tài chính. “Khi thực hiện thu phí không dừng sẽ làm minh bạch hơn trong việc thu phí. Khi đã xác định chính xác rồi, trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT và chủ đầu tư sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh, xác định lại phương án tài chính”, đại diện KTNN cho hay.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.