Vì sao 165 tỷ đồng của các doanh nghiệp dễ dàng bị chiếm đoạt?

Vì sao 165 tỷ đồng của các doanh nghiệp dễ dàng bị chiếm đoạt?
Sáng 25/6, trùm lừa xuyên quốc gia Nguyễn Đức Chi bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, Chi đã lừa đảo chiếm đoạt của một số doanh nghiệp số tiền 165 tỷ đồng.

Nguyễn Đức Chi sinh ngày 2/9/1969, tại Diễn Hồng (Diễn Châu, Nghệ An). Năm 1988, Chi thi vào Đại học An ninh và được cử sang Nga tu nghiệp. Sau khi Liên bang Xô- viết tan rã, Chi ở lại Nga và chuyển sang làm ăn kinh tế…

Năm 1998, Chi về Việt Nam, làm thủ tục thành lập Cty TNHH Quốc tế LCM, 100% vốn nước ngoài, do 3 công dân VN định cư tại Nga góp vốn, có vốn pháp định 2,1 triệu USD (Chi góp 1,115 triệu USD, chiếm 55% vốn góp).

Sau đó, Chi thuê toà nhà 168 Ngọc Khánh (Hà Nội) của Cty Điện tử Giảng Võ, với giá 18.000 USD vừa làm trụ sở vừa đầu tư thành Trung tâm thể thao giải trí Cosmos.

Đến cuối năm 2003, Chi ký hợp đồng “bán” toàn bộ phần tài sản đầu tư tại Cosmos cho Cty Lâm Viên (Bộ Quốc phòng) lấy 19 tỷ đồng.

Cty Lâm Viên chưa kịp tiếp quản Cosmos thì Cty Điện tử Giảng Võ đã làm đơn khởi kiện Chi ra toà để đòi nợ 24 tỷ đồng tiền thuê trụ sở còn nợ đọng từ năm 1998.

Toà phúc thẩm tuyên Chi phải trả nợ, đến tháng 5/2004, Chi lại tiếp tục có công văn đồng ý chuyển giao tài sản đầu tư tại Cosmos cho... Cty Điện tử Giảng Võ.

Một tài sản đã được Chi “bán” cho 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là “trái đắng” đầu tiên mà Cty Lâm Viên được “nếm” từ Nguyễn Đức Chi.

Một dự án, “bán” lung tung

Ngày 6/11/2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã cấp giấy phép đầu tư số 2178/GP cho Cty Đầu tư và phát triển du lịch Rus - Invest- Tur (Nha Trang, Khánh Hoà), gọi tắt là Cty RIT.

Theo giấy phép, đây là Cty do 3 nhà đầu tư tại Nga góp vốn, vốn pháp định 4,5 triệu USD, vốn đầu tư 15 triệu USD, trong đó Cty Cổ phần Dạng Đóng Elaitrox là Cty của Nguyễn Đức Chi tại Liên bang Nga góp 2,7 triệu USD (chiếm 60% vốn pháp định).

2 Cty còn lại là Cty TNHH Luznhiky DHL và Cty TNHH DHL Cargo, mỗi Cty góp 900.000 USD.

Trên cơ sở giấy phép đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao cho RIT hơn 45 ha đất để xây dựng khu du lịch Rusalka, bao gồm các hạng mục xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, sân gôn, tennis và các dịch vụ vui chơi giải trí.

Có trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chi đã đem thế chấp Ngân hàng cổ phần Quân đội để vay 30 tỷ đồng đầu tư xây dựng dự án, đồng thời để ngân hàng bảo lãnh cho Chi mời gọi các nhà đầu tư. Tính đến nay, các nhà đầu tư đã bỏ vốn khoảng 3 triệu USD để xây dựng các hạng mục dự án.

Hết thời hạn bảo lãnh ngân hàng, Chi vẫn không có tiền đầu tư dự án, ngân hàng cũng không rót thêm vốn. Thời điểm 2003, Chi vừa nợ Cty Điện tử Giảng Võ 24 tỷ đồng, nợ Cty Lâm Viên 19 tỷ đồng, lại thêm khoản nợ hơn 5 triệu USD trong một vụ lừa đảo mua 31,5 nghìn tấn gạo của Cty XNK Lương thực Trà Vinh.

Bị Cty XNK Lương thực Trà Vinh đòi tiền gắt gao, để có tiền trả, ngày 20/11/2003, Nguyễn Đức Chi đã ký hợp đồng liên doanh xây dựng dự án Rusalka với Cty Lâm Viên.

Hai bên tự thống nhất trái luật (không được sự đồng ý của Bộ KHĐT) tăng vốn pháp định từ 4,5 triệu USD lên 10 triệu USD, tăng vốn đầu tư 15 triệu USD lên 27 triệu USD, trong đó Cty Lâm Viên sẽ góp 5,5 triệu USD (chiếm 55% vốn pháp định) và trở thành Chủ tịch HĐQT Liên doanh này.

Không hiểu vì quá “ngây thơ” hay vì nóng lòng muốn thu hồi số nợ 19 tỷ đồng đã bị Chi lừa trong vụ Cosmos, ngay sau khi ký hợp đồng liên doanh với Chi, Cty Lâm Viên đã vội chuyển trước 43,5 tỷ đồng trả nợ thay Chi cho Cty XNK Lương thực Trà Vinh.

Sau khi chuyển tiền, Cty Lâm Viên mới té ngửa khi biết dự án Rusalka không được phép chuyển nhượng trong thời gian xây dựng, và việc tăng vốn pháp định lên 10 triệu USD chưa được Bộ KHĐT cho phép. Tiền đã chuyển, song Lâm Viên vẫn chỉ là kẻ “ngoài rìa” dự án Rusalka.

Biết mình tiếp tục bị lừa ngọt, ngày 6/9/2004, ông Trần Nam - Giám đốc Cty Lâm Viên - đã làm đơn tố cáo Nguyễn Đức Chi tới CA. Như vậy, cộng cả vụ Cosmos, Chi đã chiếm đoạt 62,5 tỷ đồng của Cty Lâm Viên.

Chưa dừng ở đây, sau phi vụ này, Chi tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng 60% vốn pháp định của Chi trong Cty RIT cho Cty XNK Lương thực Trà Vinh để trừ khoản nợ hơn 5 triệu USD. Thực chất, đây chính là việc bán đất dự án. Điều này trái với điều 7 của giấy phép đầu tư dự án Rusalka là không cho phép chuyển nhượng trong quá trình xây dựng cơ bản.

Không hiểu sao, ngày 25/3/2005, Bộ KHĐT vẫn có công văn đề nghị Thủ tướng cho phép RIT được chuyển nhượng vốn, với lý do tạo điều kiện tiếp tục triển khai dự án và thu hồi nợ cho Cty XNK Lương thực Trà Vinh.

Không được Thủ tướng chấp thuận, ngày 1/6/2005, Bộ KHĐT lại có công văn số 3654, tiếp tục đề nghị cho RIT được chuyển nhượng vốn cho Cty TNHH Bạch Lân có trụ sở tại British Virgin Islands. Việc này, chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở cuối bài.

“Nuốt trôi” hàng chục ngàn tấn gạo

Về vụ lừa đảo mua gần 31,5 ngàn tấn gạo của Cty XNK Lương thực Trà Vinh. Ngày 1/11/2002, Nguyễn Đức Chi đã đứng tên Giám đốc kinh doanh, đại diện Cty Arabela (Mỹ) ký 2 hợp đồng kinh tế và 6 phụ lục hợp đồng mua 31.488 tấn gạo của Cty Trà Vinh dưới hình thức trả chậm trong vòng 90 ngày.

Từ ngày 10/11/2002 đến 27/1/2003, Cty XNK Lương thực Trà Vinh đã xuất sang Nga cho Chi đủ 31.488 tấn gạo, tổng trị giá gần 6 triệu USD mà không cần tín chấp(!) Toàn bộ lô hàng trên, Chi chỉ thanh toán cho Cty XNK Lương thực Trà Vinh đợt xuất gạo đầu tiên là 523.100 USD, còn lại hơn 5 triệu USD thì “quỵt”.

Khi Cty XNK Lương thực Trà Vinh kiện ra cơ quan CA, Chi đã gán ngôi biệt thự ở phường Thảo Điền và lừa lấy 43,5 tỷ đồng của Cty Lâm Viên như đã nói ở trên, để trả cho Cty XNK Lương thực Trà Vinh, còn lại 2,4 triệu USD thì mất khả năng chi trả.

Đâu là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Theo kết quả điều tra ban đầu, đến thời điểm bị bắt giam ngày 25/6, tính riêng các khoản Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt và nợ đọng các doanh nghiệp nhà nước ta đã lên tới 165 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả kiểm toán của Bộ Tài chính xác định toàn bộ tài sản đầu tư tại dự án Rusalka chỉ khoảng 65 tỷ đồng, mất cân đối khoảng 100 tỷ đồng.

Vậy nhưng khi thực hiện lệnh bắt, khám xét Nguyễn Đức Chi tại Nha Trang (Khánh Hoà), CA phát hiện Chi không còn một xu trong két, tài khoản đã sạch trơn.

Ngôi nhà 98/4 đường Trần Phú (TP Nha Trang) là nhà do Chi đi thuê(!) Số tiền hơn 100 tỷ đồng Nguyễn Đức Chi chiếm đoạt đã thất thoát đi đâu đang được CA tập trung làm rõ để thu hồi cho ngân sách.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tính chất tội phạm hoạt động xuyên quốc gia. Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của Bộ KHĐT trong việc thẩm định, cấp phép cho Cty RIT đầu tư xây dựng dự án Rusalka.

Theo xác minh của cơ quan CA, 2 Cty liên doanh với Chi trong Cty RIT là Cty TNHH Luznhiky DHL và Cty TNHH DHL Cargo chưa hề chuyển một đồng nào đầu tư vào dự án.

Để “qua mặt” Bộ KHĐT, Chi đã nhờ người “đóng thế” 2 Cty Luznhiky và Cargo bằng những tờ giấy góp vốn. Khám xét nơi ở của Chi, cơ quan điều tra đã thu giữ được những con dấu giả mang tên 2 Cty Luznhiky và Cargo, do Chi nắm giữ.

Như vậy, có thể thấy Nguyễn Đức Chi đã mạo danh các Cty này và những tờ giấy góp vốn kia đã được Chi nguỵ tạo. Riêng Cty Elaitrox của Chi có góp 1,2 triệu USD, song cũng lại chỉ là những chứng từ đi lại, ăn ở của Chi và các thành viên Cty RIT. Khi thẩm định, cấp phép đầu tư dự án Rusalka, liệu Bộ KHĐT có nắm được tình hình tài chính của Cty RIT?

Chưa dừng ở đây, như đã phản ánh ở trên, Bộ KHĐT đã 2 lần có công văn đề nghị Thủ tướng cho phép Cty RIT chuyển nhượng vốn cho các Cty XNK Lương thực Trà Vinh, Bạch Lân, trái với điều 7 trong giấp phép đầu tư số 2178/GP cũng do Bộ này cấp cho RIT trước đó.

Việc này đồng nghĩa với việc Bộ KHĐT mặc nhiên thừa nhận số vốn pháp định của RIT và vốn đầu tư vào dự án Rusalka, trong khi số vốn của Cty này chỉ nằm trên... những tờ giấy góp vốn giả.

Tài liệu điều tra cũng cho thấy, nhằm hợp thức hoá việc ký hợp đồng liên doanh bất hợp pháp với Cty Lâm Viên, Nguyễn Đức Chi đã lợi dụng một số mối quan hệ để tác động với Bộ KHĐT(!?).

Ngoài các phi vụ kể trên, Nguyễn Đức Chi còn tham gia thành lập rất nhiều Cty như Cty Cổ phần Vạn Xuân, Cty TNHH Dịch vụ thương mại Hoa Hồng, Cty  Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và du lịch Ninh Thuận... với mục đích xin dự án để mồi chài, liên doanh liên kết huy động vốn sau đó “bán” đất dự án kiếm lời, còn thực tế Chi không có khả năng tài chính, không góp được đồng vốn nào.

Vài hôm trước khi bị bắt, trùm lừa này vẫn dẫn khách đi “rao bán” một khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép. Trước đó, Chi còn dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án Rusalka (đã thế chấp Ngân hàng Cổ phần Quân đội) đem thế chấp Ngân hàng Cổ phần đầu tư phát triển nông thôn Ninh Bình để vay 10 triệu USD đầu tư cho dự án “Trung tâm Hội nghị quốc tế và khu nghỉ mát cao cấp hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt”, song bị cơ quan CA kịp thời ngăn chặn.

Ngay trong ngày 25/6, Nguyễn Đức Chi đã được di lý ra Hà Nội theo đường hàng không. Hiện cơ quan CA đang tích cực điều tra mở rộng vụ án về “trùm lừa” xuyên quốc gia này. 

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.