Vì đâu nên nỗi đọa đày... chuyện yêu

Vì đâu nên nỗi đọa đày... chuyện yêu
TPCN - Tôi rất tán thành với quan điểm của bạn Nguyễn Mạnh Trung khi cho rằng: Đã tới lúc chúng ta nên khép lại phần “thực trạng” để tìm ra “giải pháp”…
Vì đâu nên nỗi đọa đày... chuyện yêu ảnh 1
Ảnh minh họa

“Sầu đong càng lắc càng đầy”, diễn đàn của chúng ta nên tìm ra những đáp án cho các câu hỏi từ những người “trong cuộc” – những câu hỏi đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên diễn đàn  những tháng qua.

Từ những bài viết ấy, dường như ai cũng hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến những tình cảnh trớ trêu của bản thân, nhưng cũng ít thấy có  người tự tìm ra cho mình các phương thuốc chữa.

Theo người viết bài này, muốn “chữa” được bệnh thì chúng ta nên “chẩn đoán” đúng, trước hết là phân biệt giữa người “lười yêu” với những kẻ “chán yêu”.

Với những người “lười yêu”, có tới ngàn lẻ một lý do để giải thích, nào là do mải mê sự nghiệp, do điều kiện công tác, rồi cả vì… duyên số.

Không ít người thường tự đặt ra cho mình một “barie”: Sẽ chỉ tính tới chuyện xây dựng gia đình khi công danh sự nghiệp thành đạt, vô hình “rào cản” ấy đã trở thành một thứ virút dần lây lan và phát triển thành căn bệnh “lười…” tự lúc nào.

Đúng ra, mỗi người trong chúng ta không nên có những sự “cầu toàn”, chuyện tình cảm lứa đôi không thể giản đơn như một kế hoạch, một bản hợp đồng hay một… trận đánh để tuyên bố một cách cụ thể ngày ấy, giờ ấy mọi việc sẽ… bắt đầu, do đó nếu tự thoát ra khỏi thứ rào cản vô hình kia, đương nhiên những kẻ “lười yêu” đã có được cho mình một giải pháp.

Với những ai còn đang “đứng núi này, trông núi nọ” thì cũng nên có một quan niệm “tương đối”, bởi những sự thiếu hụt (trong quan niệm của mỗi người) chính là những điều kiện cần thiết để hai nửa… tự hút nhau theo đúng như quan niệm triết học phương Đông…

Trở lại với việc “chẩn bệnh”, có một căn bệnh giống như “lười yêu”, đó là bệnh “chán yêu”. Không ít người tuổi “băm” đã tâm sự rằng: Bản thân sẽ chẳng bao giờ ngốc nghếch, dại dột sống một mình cả đời, nhưng cứ nghĩ tới việc tìm lại cảm giác lãng mạn, bay bổng trong tình yêu như khi còn ở độ tuổi 20 thì lại… thở dài, thế là chán!

Cũng có những người trải qua một vài mối tình, để rồi ở vào tình trạng “cả thèm chóng chán”, cuối cùng chẳng biết tìm đâu cho mình một “bến đỗ”… và rồi cũng lại… chán!

Phải chăng, những người ấy “chán yêu” là do họ… quá yêu bản thân mình? Và không biết cái sự “chán yêu” kia có phải là “giai đoạn chuyển tiếp” của căn bệnh “lười yêu”? Chắc độc giả sẽ đồng ý với tôi rằng: Trong trường hợp này, hỏi nghĩa là đã… trả lời.

Bùi Vũ Minh

MỚI - NÓNG