Vén màn bí mật những tuyến đường xuyên quốc gia của Triều Tiên
> Tìm thấy ‘quan tài bay’ MiG-21 trên tàu Triều Tiên
> Trung Quốc trỗi dậy, Triều Tiên tham vọng, Mỹ-Nhật-Phi giương cờ xoay trục
TPO - Sự kiện tàu Chong Chon Gang của Triều Tiên bị Panama bắt giữ khiến “thần kinh nhạy cảm” cấm vận vũ khí mà LHQ áp dụng bị động chạm và vén màn bí mật các mối giao dịch thương mại của nước này.
Tàu Chong Chon Gang |
Ngày 15/7 vừa qua, cơ quan cảnh sát Panama đã bắt giữ một tàu hàng Triều Tiên chở vũ khí mang số hiệu Chong Chon Gang tại kênh đào Panama. Phía Panama đã xin sự giúp đỡ của Mỹ và lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt của Cuba và Triều Tiên. Hiện tại, Triều Tiên đang phải đối mặt với lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế, các tuyến đường giao thông quốc tế bí mật nhằm buôn bán vũ khí với nước ngoài của Triều Tiên ngày càng ít ỏi.
Các tuyến đường từng có giao dịch thương mại với Triều Tiên của Syria, Myanma... đã bị đóng cửa. Đối với Triều Tiên, cho dù là nhập khẩu vũ khí mới hay mua linh kiện cũ về cải tiến, sửa chữa cũng đều đã trở nên hết sức khó khăn.
Cuộc trao đổi bí ẩn
Sau khi tàu treo cờ Triều Tiên bị Panama bắt giữ, Bộ ngoại giao Cuba đã phát biểu thông cáo, xác nhận đây là con tàu xuất phát từ một cảng khấu ở Cuba.
Thông cáo của Cuba viết: “Tàu Chong Chon Gang trở 10.000 tấn đường đỏ và 240 tấn “vũ khí mang tính phòng ngự” đã cũ, bao gồm 2 tổ hợp tên lửa chống máy bay, 9 bộ phận tên lửa, 2 bộ phận của máy bay MiG-2 và 15 động cơ khác”. Những vũ khí này của Cuba được chế tạo từ giữa thế kỷ trước, được tàu Chong Chon Gang trở về Triều Tiên để sửa chữa.
Sau đó, phía Triều Tiên cũng đưa ra lời giải thích, nói rằng con tàu này vận chuyển “một số vũ khí cũ, căn cứ vào hợp đồng hợp pháp, sau khi những vũ khí này được sửa chữa sẽ chuyển về lại cho Cuba. Tuy nhiên chính phủ Panama lại kiên quyết “xử lý theo pháp luật, đồng thời chính thức tìm kiếm sự hỗ trợ từ Liên hợp quốc và Mỹ, yêu cầu xem xét cuộc giao dịch giữa Triều Tiên và Cuba có vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc hay không. Đồng thời, Panama còn đề nghị Mỹ hỗ trợ điều tra vụ việc này.
Theo nguồn tin của hãng AP, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun và Bộ ngoại giao Mỹ rất hưởng ứng Panama về hành động này. Năm 2006, sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nhiều lần đưa ra nghị quyết nghiêm cấm các nước thành viên “cung cấp, tiêu thụ hoặc chuyển giao” các loại trang bị vũ khí bao gồm máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa cho Triều Tiên. Còn Mỹ và các nước đồng minh đã nhiều lần tỏ ý lo ngại về việc Triều Tiên thông qua các hoạt động thương mại trao đổi, chuyển nhượng vũ khí và kỹ thuật quân sự để thu ngooại tệ. Tuy nhiên, dường như bản thông cáo của Cuba muốn nói rằng, lô hàng này không vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc vì những vũ khí trên không phải được chuyển nhượng cho Triều Tiên mà chỉ đưa sang đó để sửa chữa mà thôi.
Dư luận quốc tế phát hiện ra rằng, lời giải thích của Triều Tiên và Cuba đối với sự kiện này rất trùng khớp: Con tàu bị bắt trên đường vận chuyển linh kiện vũ khí từ Cuba sang Triều Tiên theo “hợp đồng hợp pháp” sửa chữa vũ khí trên danh nghĩa Triều Tiên giúp La Habana. Tuy nhiên, báo chí Mỹ tỏ ý nghi ngờ về lời giải thích này: Nếu đây là sự thật thì khi bị bắt giữ, tại sao 35 thuyền viên của Triều Tiên phải chống cự quyết liệt, thuyền trưởng còn định tự sát? Cuba muốn sửa chữa vũ khí do Liên Xô chế tạo, tại sao không tìm kiếm sự hỗ trợ của Moscow? Cuba đã khó khăn đến mức phải “dùng đường đỏ để chi trả cho hoạt động sửa chữa tên lửa?
Những tuyến đường bí mật
Ngành công nghiệp quân sự của Triều Tiên bắt đầu phát triển vào cuối thập kỷ 1950. Mấy cuộc chiến tranh cục bộ trong Chiến tranh lạnh đã kích thích Triều Tiên xuất khẩu vũ khí và viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có rất nhiều loại vũ khí khiến thương hiệu “Made in Triều Tiên” nổi tiếng thế giới. Như trong chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988), khẩu pháo tầm xa Koksan 170 mm do Triều Tiên cung cấp đã giúp Iran giáng cú đòn nặng nề cho Iraq.
Mấy năm trở lại đây, do kinh tế Triều Tiên ngày càng trở nên khó khăn, hoạt động xuất khẩu vũ khí càng có ý nghĩa lớn hơn đối với Triều Tiên. Theo nguồn tin của báo chí Hàn Quốc, từ khi bước sang thế kỷ XXI đến nay, Triều Tiên đã xuất khẩu vũ khí sang Philippines, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Iran, Syria, Myanmar..., bao gồm tên lửa, tàu ngầm, pháo hỏa tiễn đa nòng, đại bác...
Một số nhà phân tích cho rằng, con tàu chở hàng không đăng ký chở vũ khí của Triều Tiên bị bắt cho thấy hiện tượng Triều Tiên có ý đồ tránh lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc để thực hiện các hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa bí mật. Họ cho rằng, giấu vũ khí trong đường đỏ cho thấy thủ đoạn né tránh lệnh trừng phạt ngày càng gắt gao của Liên hợp quốc mà Triều Tiên áp dụng. Thực ra, hoạt động trao đổi thương mại bằng hàng hóa khá thích hợp với Triều Tiên, vì sẽ không để lại bất cứ bằng chứng nào về tài chính, cũng không đòi hỏi Triều Tiên phải thanh toán bằng nguồn ngoại tệ khá khan hiếm của mình.
Mặt khác, cũng có một số chuyên gia cho rằng, lời giải thích của Cuba đối với hoạt động vận chuyển vũ khí lần náy “khá tin cậy”. Triều Tiên khá mạnh trong vấn đề sửa chữa và nâng cấp các thiết bị quân sự do Liên Xô chế tạo. Do kinh tế Triều Tiên đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, quốc gia này cũng có truyền thống dùng kỹ thuật để đổi lấy hàng hóa, chính vì thế lần này Triều Tiên giúp Cuba sửa chữa vũ khí để đổi lấy đường đỏ cũng không khó giải thích.
Tờ Tin tức Thế giới của Trung Quốc phân tích, sau khi thử hạt nhân lần thứ 3, Triều Tiên lại phải đối mặt với lệnh trừng phạt gay gắt hơn của cộng đồng quốc tế, thu nhập ngoại tệ gần như đã cạn kiệt. Đặc biệt sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 2094, sự giám sát đối với Triều Tiên trở nên hết sức chặt chẽ. Nghị quyết này quy định rõ, cần tiến hành giám sát các tàu thuyền khả nghi của Triều Tiên và có thể bắt giữ nguồn vật tư khả nghi trên thuyền.
Những quy định này đã khiến cho các hoạt động giao dịch vũ khí với nước ngoài của Triều Tiên trở nên hết sức khó khăn. Nguồn tin cho biết, hiện nay, tất cả các tàu vận tải trên các tuyến đường quốc tế của Triều Tiên, dù là nhập khẩu hay xuất khẩu đều bị giám sát. Theo ghi chép của Liên hợp quốc, trước đây, tàu Chong Chon Gang đã từng dính líu đến các vụ buôn lậu khác. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “con tàu này đã có lịch sử nổi tiếng trong phương diện này”.
Tờ Tin tức Thế giới chỉ ra rằng, số quốc gia còn “làm ăn” với Triều Tiên hiện không còn nhiều. Có người nghi ngờ Triều Tiên và Syria, Iran có sự hợp tác rộng rãi trong các dự án kỹ thuật hạt nhân. Tuy nhiên hiện tại đất nước Syria đang ở trong tình trạng bất ổn kéo dài, đã không còn để tâm đến sự hợp tác với Triều tiên. Ngoài ra, một đối tác quan trọng khác của Triều Tiên trước đây là Myanmar. Tuy nhiên từ tháng 4-2012, Myanmar đã công khai tuyên bố cắt đứt mọi hoạt động giao dịch vũ khí với Triều Tiên. Tháng 11-2012, tổng thống Mỹ Obama sang thăm Myanmar và kêu gọi chính phủ nước này cắt đứt triệt để mọi quan hệ quân sự với Triều Tiên. Hiện nay, số quốc gia còn giao dịch với Triều Tiên chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngoài Cuba, e rằng chỉ có một số nước không công khai ở châu Phi mà thôi.
Mặt khác, sau khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, các hoạt động mua vũ khí mới của Triều Tiên cũng trở nên hết sức khó khăn, chỉ có thể tìm cách sửa chữa thiết bị cũ. Hiện tại, vũ khí của Triều Tiên chủ yếu là các trang bị cũ kỹ do Liên Xô chế tạo, ngay cả Nga cũng không còn sản xuất nữa. Chính vì thế, rất nhiều linh kiện Triều Tiên cần không thể tìm thấy, chỉ có thể tìm cách mua của các quốc gia trước đây được Liên Xô viện trợ về quân sự như Đông Âu hoặc Cuba nhằm duy trì cho sự vận hành của các hệ thống vũ khí. Tuy nhiên, các linh kiện chuyển về Triều Tiên hầu hết là hàng second hand thậm chí là qua tay nhiều chủ, tính năng an toàn khó có thể đảm bảo.
Tờ Tin tức quốc tế của Trung Quốc cho rằng, hiện tại kinh tế Triều Tiên đang suy thoái, thiếu vốn trầm trọng. Đầu tháng 4 năm nay, Triều Tiên tuyên bố phương châm đồng thời phát triển kế hoạch hạt nhân và phát triển kinh tế, cho thấy quốc gia này tiếp tục đi theo đường lối đầu tư cho quốc phòng, việc bất chấp mọi mạo hiểm để vận chuyển một số vật tư bị cấm là điều tất yếu. Theo tin của báo chí phương Tây, Triều Tiên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để đối phó với lệnh trừng phạt quốc tế, sự kiện tàu chở hàng bị bắt giữ lần này chỉ cho thấy được một phần trong sách lược đối phó với lệnh trừng phạt của Triều Tiên mà thôi.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu chở hàng của Triều Tiên thu hút sự chú ý của dư luận vì “xuất khẩu vũ khí”. Kể từ khi nghị quyết số 1718 và 1874 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được thông qua, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây ngày càng giám sát chặt chẽ các hoạt động xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên.
Tháng 6-2009, tàu khu trục của hải quân Mỹ theo dõi nửa tháng tàu Kangnam của Triều Tiên. Phía Mỹ tuyên bố tàu này chở vũ khí và chuẩn bị sang Myanmar. Lời tuyên bố này của Mỹ bị Myanmar phủ nhận, nhưng cuối cùng tàu Kangnam vẫn quay trở về Triều Tiên.
Ngày 11-12-2006, một chiếc máy bay vận tải Ilyushin Il-76 buộc phải hạ cánh xuống Thái Lan và bị bắt giữ ngay sau đó. Sau đó cơ quan điều tra của Thái Lan tuyên bố chiếc máy bay chở hàng này cất cánh từ Triều Tiên và chở theo 40 tấn linh kiện vũ khí.
Tháng 4-2012, Pháp báo cáo với Liên hợp quốc rằng, tháng 11-2010, nước này đã bắt giữa một tàu chở hàng của Triều Tiên sang Syria, trên tàu chở vật liệu chế tạo đạn pháo và tên lửa.
Huy Long
Theo Phượng Hoàng