Vén màn bí ẩn về cách người Triều Tiên mừng lễ Giáng sinh

Vén màn bí ẩn về cách người Triều Tiên mừng lễ Giáng sinh
TPO - Ông già Noel có thể tồn tại trong trí tưởng tượng của hàng triệu trẻ em phương Tây, nhưng đối với trẻ em Triều Tiên, cụ ông râu trắng mặc đồ đỏ ấy thậm chí còn không được coi như một nhân vật thần thoại.

Người Triều Tiên không ăn mừng Giáng sinh?

Lớn lên từ thủ đô Bình Nhưỡng, Kang Jimin (31 tuổi, đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 2007) cho biết ở quê hương anh không có lễ Giáng sinh. “Tôi không biết ngày lễ đó là gì. Người Triều Tiên không biết ai là Thượng đế. Họ coi gia tộc Kim là thánh thần.”

Kì lạ là, cây thông Giáng sinh và đèn nhấp nháy vẫn xuất hiện ở Bình Nhưỡng. Nhưng chúng được bày ở đó quanh năm, và người dân nơi đây không nhận thức được ý nghĩa thực sự của những đồ vật trang trí mang tính biểu tượng này.

Cách khu vực biên giới liên triều vài kilomét về phía Hàn Quốc, một cây thông khổng lồ với đèn nháy sáng rực từng được dựng lên vào dịp Giáng sinh. Nhưng Triều Tiên đã đe dọa sẽ bắn hạ cây thông này hồi năm 2014 vì cho rằng đây là hành động gây “chiến tranh tâm lý”.

Trong khi việc ăn mừng lễ Giáng sinh không phổ biến tại Triều Tiên, thì lễ kỉ niệm ngày sinh của Kim Jong-Suk – người bà đã khuất của Chủ tịch Kim Jong-un – lại được tổ chức vô cùng trọng thể.

Vào đêm Giáng sinh, người dân Triều Tiên có truyền thống hành hương đến một thị trấn ở Đông Bắc nước này, có tên Hoeryong, tương truyền là nơi chào đời của bà Kim Jong-suk.

Lịch sử tôn giáo

Trái với suy nghĩ của nhiều người, theo Independent, Bình Nhưỡng từng được coi là cái nôi của Cơ đốc giáo trước khi chiến tranh liên Triều (1950 – 1953) bùng nổ, chia cắt bán đảo Triều Tiên. Thực tế, Triều Tiên còn là nơi cho ra đời nhiều nhà truyền giáo.

“Khoảng 60 năm trước, Cơ đốc giáo rất phổ biến ở Triều Tiên. Người ta còn gọi đất nước này là “Jerusalem của phương Đông”, Kang Jimin cho biết.

Vén màn bí ẩn về cách người Triều Tiên mừng lễ Giáng sinh ảnh 1

Kang Jimin đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 2007. 

Triều Tiên càng trở nên sùng đạo vào năm 1996, khi một số lượng lớn người dân nước này đào tẩu và tiếp xúc với các mục sư ở Trung Quốc, rồi trở lại quê hương để phổ biến đức tin của họ.

Nhưng Kang cho biết anh không có bất cứ khái niệm gì về những người này, vì sống quá xa biên giới Trung Quốc. “Tôi tin rằng mọi người đang ngầm truyền giáo, nhưng tôi không gặp bất cứ tín đồ Cơ đốc nào”, Kang khẳng định. “Tôi chưa từng gặp bất cứ người nào có niềm tin vào Chúa. Chính quyền Triều Tiên kiểm soát toàn bộ các phương tiện truyền thông và Internet. Những người tôi gặp không biết Chúa Jesus là ai.”

Trên thực tế, tại Triều Tiên vẫn tồn tại một số nhà thờ Thiên chúa giáo do Nhà nước kiểm soát, nhưng hình thức hoạt động của các cơ sở tôn giáo này rất khác so với những gì đang diễn ra ở phương Tây.

Trung tâm dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên (NKDB) ước tính có khoảng 121 cơ sở tôn giáo tại Triều Tiên, bao gồm 64 ngôi chùa Phật giáo và 5 nhà thờ Thiên chúa giáo do Nhà nước quản lý.

Vén màn bí ẩn về cách người Triều Tiên mừng lễ Giáng sinh ảnh 2 Dàn đồng ca hát trong lễ Giáng sinh được tổ chức tại nhà thờ Jangchung, quận Songyo, Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 25/12/2007. Ảnh: KCNA

NK News, một trang web chuyên cung cấp thông tin về Triều Tiên cho biết lễ mừng Giáng sinh được tổ chức tại một số nhà thờ của Nhà nước ở Triều Tiên. Chính quyền nước này cũng khẳng định lễ cầu nguyện được “tổ chức trên khắp cả nước” vào ngày Giáng sinh.

Tuy nhiên, ông Michael Glendinning – Giám đốc Tổ chức từ thiện “Kết nối Triều Tiên” nhận định những nhóm nhỏ Triều Tiên biết về lễ Giáng sinh vẫn phải tổ chức ăn mừng một cách bí mật.

“Sẽ không có quà tặng hay cây thông Noel. Lễ mừng Giáng sinh của họ chủ yếu chỉ tập trung vào việc cầu nguyện”, ông Gledinning nói.

Theo Theo The Independent
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.