Về Mường Phăng thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25 km, khu di tích lịch sử Mường Phăng nằm trong rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, nơi làm việc 105 ngày của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy…
Về Mường Phăng thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Đi bộ dọc theo con đường dài, cua gấp khúc dẫn sâu vào trong rừng là nơi ở và làm việc của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/51954), tại căn cứ ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2. Nơi đây được bà con địa phương trìu mến gọi là “rừng Đại tướng,” và gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp”.

Các công trình của Sở chỉ huy được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bí mật và an toàn. Đến nay, khu di tích Mường Phăng vẫn lưu giữ được các công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy…

Về Mường Phăng thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2

Trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường - nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm... tất cả được chỉnh trang, tu sửa gọn gàng trong khu di tích Mường Phăng.

Đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng được thắp sáng cho du khách vào tham quan. Gần Sở chỉ huy ở Mường Phăng còn có đài quan sát trên đỉnh đồi cao, có thể nhìn bao quát thung lũng Mường Thanh.

Bếp Hoàng Cầm

Về Mường Phăng thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 3

Điều thích thú với du khách là được tận mắt nhìn thấy bếp Hoàng Cầm. Loại bếp không khói này được các chiến sỹ sử dụng để nấu ăn mà không để lại dấu tích gì khiến cho quân địch không thể phát hiện ra và bộ đội ta vẫn có đủ cơm nóng canh ngọt để có sức đánh giặc.

Bếp Hoàng Cầm ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951 – 1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao, cũng như ở gần. Bếp mang tên người chế tạo ra nó, anh nuôi Hoàng Cầm (1916 – 1996). Ông nguyên là tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội trưởng Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bếp có nhiều đường rãnh để thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một làn hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó, bếp Hoàng Cầm nấu được cả ban ngày lẫn ban đêm mà không sợ lộ khói lửa, theo tinh thần “đi không dấu, nấu không khói”.

Trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954), tại căn cứ ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

MỚI - NÓNG
Trà Vinh xin gia hạn cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án cây xanh
Trà Vinh xin gia hạn cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án cây xanh
TPO - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu UBND tỉnh Trà Vinh cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các dự án cây xanh, gửi trước ngày 6/5/2024. Tuy nhiên, đến ngày 4/5 UBND tỉnh Trà Vinh mới nhận được văn bản, nên tỉnh xin gia hạn đến ngày 20/5/2024 nhằm đảm bảo thời gian rà soát. UBND TP. Cần Thơ cũng vừa có văn bản yêu cầu sở ngành, địa phương rà soát dự án trồng cây xanh.