Vào ổ dịch tiêu chảy cấp lớn nhất nước

Vào ổ dịch tiêu chảy cấp lớn nhất nước
TP - Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây) là xã có tới 30 ca bệnh tả xuất hiện chỉ trong vòng ba, bốn ngày vừa qua. Tính đến cuối giờ chiều qua đã có tới 134 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện.

Có mặt tại xã Hữu Bằng chiều qua (16/4), điều phóng viên Tiền phong dễ nhận thấy nhất tại nơi đang là ổ dịch tiêu chảy cấp lớn nhất nước này là màu trắng của vôi bột được rắc khắp nơi để khử trùng.

Cả xã cùng ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống

Tại khu vực cách ly của Bệnh viện huyện Thạch Thất có 54 bệnh nhân nằm điều trị tiêu chảy cấp. Có giường phải nằm ghép hai bệnh nhân, khoảng gần 50% bệnh nhân đang phải truyền dịch. Bác sĩ Vũ Bá Sơn - Giám đốc Bệnh viện huyện Thạch Thất cho biết, số bệnh nhân này đến từ 8/9 xã của huyện Thạch Thất, trong đó xã đông bệnh nhân nhất là Hữu Bằng với 37 ca.

Bệnh nhân lớn tuổi nhất là cụ bà Phan Thị Tích (xã Hữu Bằng), nhỏ tuổi nhất là cháu Phùng Minh Phương (4 tuổi) cũng ở xã Hữu Bằng. Hầu hết số bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tại xã Hữu Bằng đều ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống. Ngay tại trạm Y tế xã Hữu Bằng chiều qua cũng có 3 bệnh nhân mới nhiễm tiêu chảy nằm điều trị.

Vào ổ dịch tiêu chảy cấp lớn nhất nước ảnh 1
Ao sen thuộc khu di tích đình chùa xã Hữu Bằng đã được xếp hạng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Ông Phan Lạc San – Chủ tịch xã Hữu Bằng cho biết trong hai ngày 11 và 12/4 (tức 6-7 tháng 3 âm lịch) Hà Tây diễn ra lễ hội Chùa Thầy và Chùa Tây Phương. Đã theo thông lệ từ hàng chục năm nay, năm nào người dân cũng mua thịt chó về tổ chức liên hoan tại gia đình.

Trong bữa ăn hai ngày hôm đó, nhà nào cũng có món thịt chó, rau sống và mắm tôm. Sau khi hai ngày hội kết thúc, vào lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 13/4, anh Phan Tích Ích (32 tuổi, ở thôn Bằng Giữa, xã Hữu Bằng) là người đầu tiên “dính” tiêu chảy.

Nhà anh Ích có vợ và mẹ vợ cùng bán thịt chó, cả nhà gồm 11 người cùng ăn nhưng chỉ mình anh Ích bị tiêu chảy phải nhập viện.

Vào ổ dịch tiêu chảy cấp lớn nhất nước ảnh 2
Hiện vẫn còn 3 bệnh nhân tiêu chảy phải nằm điều trị và truyền dịch tại trạm xá của xã Hữu Bằng. Ảnh: Phạm Yên

Bị tiêu chảy cấp nặng nhất là anh Cấn Quang Thật (31 tuổi, ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất). Bác sĩ Sơn cho biết khi nhập viện, anh Thật trong tình trạng mệt lả, không bắt được mạch, không đo được huyết áp và tiêu chảy liên tục.

Anh Thật là thợ xây làm ở Hà Nội, được nghỉ nên về nhà chơi. Sáng hôm đó anh Thật ăn cháo lòng và rau sống ở quán ăn trên phố huyện với mấy người bạn. Sau đó về nhà anh Thật thấy người mệt mỏi và ngủ li bì. Đến một giờ rưỡi đêm hôm đó bị nôn thốc tháo và hai giờ đêm bắt đầu đi ngoài liên tục, toàn thân nổi vân tím, rơi vào trạng thái sốc.

Trong ba ngày nằm viện, bác sĩ đã truyền 42 chai nước vào cơ thể bệnh nhân này. Mặc dù bệnh tình đã đỡ hơn nhiều nhưng một ngày bệnh nhân Thật cũng bị tiêu chảy vài chục lần. Nằm trên giường bệnh trông anh Thật rất xanh xao, hốc hác, nói thều thào không rõ câu.

Chị Hương- vợ bệnh nhân cho biết, gia đình không ai có thời gian nghe tuyên truyền về bệnh tiêu chảy vì đi làm đến tối mới về, mệt mỏi, ăn tối xong là đi ngủ, không xem ti vi, không đọc sách báo.

Ô nhiễm khắp nơi

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền phong, tại xã Hữu Bằng có khoảng 10 ao, hồ tù đọng, rác rưởi nổi lều bều nhưng người dân vẫn sống xung quanh. Ông San cho biết xã đã đình chỉ các quán bán thực phẩm đường phố nhưng thực tế vẫn còn nhiều nhà  bán hàng. Nhiều hàng quán ruồi bu đen kịt thực phẩm.

Đáng nói là khoảng 40% hộ gia đình của xã Hữu Bằng chưa có nhà vệ sinh. Người dân ở cạnh ao, hồ thiết kế cây cầu chòi ra mặt nước và xả chất thải thẳng xuống đó. Thậm chí có hộ gia đình “đi ngoài” vào túi nilon rồi vứt ra môi trường, rất mất vệ sinh.

Một số người chọn cách thải ra đồng mà không nghĩ sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhiều đoạn mương thoát nước bị người dân lấn chiếm, đổ đất khiến mương tắc, nước không thoát đi đâu được bốc mùi hôi thối.

Anh Phan Lạc Trung – Trưởng trạm Y tế xã Hữu Bằng cho biết trong xã có ao sen vì trước đây có rất nhiều hoa mọc trong đó, nhưng vài năm gần đây sen biến mất, thay vào đó là rác và màu nước ao đen thẫm.

Lãnh đạo xã Hữu Bằng cho biết cả xã có khoảng 15.500 nhân khẩu, sống tại 9 thôn và tất cả các thôn này đều đã có bệnh nhân mắc phẩy khuẩn tả. Điều đáng nói là nước sạch được coi là của hiếm của người dân xã Hữu Bằng.

Mặc dù đã có nhà máy sản xuất nước sạch nhưng đường ống lắp đặt chỉ đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt của khoảng 2.000 dân. Đã nhiều năm nay, người dân trong xã yêu cầu có đủ nước sinh hoạt nhưng chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Chi (thôn Bằng Giữa, xã Hữu Bằng) cho biết mặc dù nhà máy nước không đủ nước cấp cho dân theo đường ống nước nhưng lại có nước bán cho dân bằng xe téc với giá 70 nghìn đồng/3 mét khối.

Cũng nhiều nhà khoan giếng lấy nước nhưng khoan sâu vẫn không có nước đành phải mua của nhà máy hoặc của hai nhà cung cấp nước tư nhân trong xã với giá rất đắt.

MỚI - NÓNG