Trong thế giới sách cổ và quý, có thể gặp lại nét bút Xuân Diệu ngay trang áp bìa cuốn “Thơ thơ” với chất liệu giấy đặc biệt đến giờ vẫn vương hương, có thể gặp những bài thơ nhòe chữ của Huy Cận được bán ra từ ngôi nhà 24 Cột Cờ, có thể thấy cách làm sách như làm hàng hiệu ở một thời chưa xa.
Quý, vẫn tặng
Căn nhà của Hoàng Vũ Thăng nằm chót vót tầng 5 trên phố Lương Văn Can – Hà Nội, chỉ rộng 30 mét vuông, và nổi bật nhất là giá sách cũ.
Họa sĩ Hoàng Vũ Thăng bên tủ sách của anh. Ảnh: TR. Thanh
Họa sỹ Hoàng Vũ Thăng sinh năm 1973, sở thích của anh bắt đầu từ khi vào học ĐH Mỹ thuật. Gặp những cuốn ít thấy, thì mua mang về. Bảo anh kể vài cuốn mình thích, Thăng nghĩ vài giây, nói: Cũng khó nhỉ. Người yêu sách trông thấy sách gì cũng thích.
Thăng thích sưu tập sách mỹ thuật và nhiếp ảnh. “Rất lạ, in chúng rất tốn tiền, nhưng giá bao giờ cũng rẻ nhất”. Anh đang giữ số báo Tiền phong có lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tấm gương anh Nguyễn Văn Trỗi. Thực ra, ban đầu, tiền ít nên sách ít, đọc được tất cả những gì sưu tập được. Dần dà, dân sưu tập không đọc hết từng cuốn sách, phần lớn chỉ đọc mục lục và lời giới thiệu, vì tuần nào cũng mua, lượng sách quá nhiều.
Bộ sưu tập của Thăng có khoảng 2.000 cuốn. “Từ khi có diễn đàn sách xưa, giao dịch trở nên tốt hơn, và mọi người đều nhận ra có những bộ sưu tập nằm ở vị trí cao hơn hẳn. Tất nhiên, những cuốn ở giá trị thấp như đường Láng (Hà Nội) vẫn luôn có và cần, nhất là những người mới bắt đầu sưu tập”.
Cách đây dăm bảy năm, có thể may mắn vớ được ở vỉa hè hoặc hàng đồng nát những cuốn có giá trị. Những năm gần đây thì không thể gặp may nữa, vì người mua và người bán đã hiểu sách.
Anh Thăng vừa bán bản đánh máy chữ trên giấy pơ luya cuốn “Con người và con đường” của nhà văn Sơn Tùng và không muốn nói nhiều về những thứ đã bán. “Bán chả đáng bao nhiêu, cho vui ấy mà. Kiểu thế” – mắt anh Thăng hấp háy sau cặp kính cận bên nặng bên nhẹ.
“Kiểu thế” của giới sưu tập sách nghĩa là phải có vào có ra, phải giao dịch chứ không ôm khư khư trong nhà. Ôm sách quý không bán thì sẽ không luân chuyển được vốn, không thể mua tiếp, không có chỗ chứa, mà để lâu sách bị mọt mối, rã giấy, giảm chất lượng. Sách anh Thăng thỉnh thoảng bị mèo hàng xóm sang hành hạ. “Mùi ấy là chịu, không tẩy không gột được, phải bán, lỗ cũng bán”.
Anh Thăng không chuyên về thủ bút, chữ ký và bản thảo của người nổi tiếng, nhưng cũng có được 5 chữ ký “tươi” và lời đề tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiện chỉ còn cuốn “Điểm hẹn lịch sử”.
“Kiểu thế” của anh Thăng cũng là cho tặng khi gặp đúng người cần. Hôm nọ, tình cờ nhà báo P.Q – con trai nhà văn Băng Sơn - nói với họa sỹ Thăng, rằng anh đang tập hợp di cảo của bố để in tuyển tập, mà thấy thiếu nhiều. Thăng tủm tỉm, vài hôm sau thò ra cuốn vở trong đó nhà văn Băng Sơn đã cẩn thận cắt dán các bài viết của ông in trên các báo. Nhà báo P.Q giật mình, mừng rỡ: Tôi giữ gìn bản thảo của bố rất cẩn thận, ko hiểu sao lại lọt ra hàng sách cũ nhỉ?
Thỉnh thoảng, anh Thăng lại “thò” ra như vậy, khi gặp đúng người cần sách.
Anh đang sở hữu cuốn sách ảnh “Những cuộc đi thăm hữu nghị của Hồ Chủ tịch” xuất bản năm 1959, bằng 5 thứ tiếng: Việt, Nga, Trung, Anh, Pháp. Cuốn sách không được nhắc tới trong bất cứ tài liệu nào về nhiếp ảnh, và đây có lẽ là sách ảnh đầu tiên về Hồ Chủ tịch ở VN. Bởi tờ báo ảnh đầu tiên của Việt Nam (tờ Hình ảnh Việt Nam) xuất bản cuối tháng 10/1954 sau khi tiếp quản Thủ đô.
Báu vật của anh Thăng còn là cuốn 2 “Y gia quan miện” (Điều cần thiết trước tiên của người học ngành y) trong bộ “Tân Thuyên Hải Thượng y tông tâm lĩnh toàn trật” của cụ Lê Hữu Trác. Theo sách “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam” của Trần Văn Giáp, sách “Y gia quan miện” được in từ ván gỗ, giấy bản thường khổ 26x16.
Hồi diễn đàn sách xưa mới lập, mỗi người chụp ảnh và tải lên mạng một thứ mình có đưa lên chia sẻ thú vui. Người đưa bộ sưu tập sách danh nhân, sách được giải thưởng Hồ Chí Minh, truyện Kiều, người đưa từ điển Việt Bồ La, anh Thăng đưa bộ thủ bút lên, trong đó có thủ bút của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyên Hồng.
Lập tức, có ông H.M. cũng là dân sưu tập từ miền Nam bay ra vật nài đòi mua. “Ông H.M. rất dai, ngồi từ sáng đến một giờ chiều, không cho mình ăn. Tôi điên hết đầu, cuối cùng đành bán phắt cho ông ấy” – anh Thăng lắc đầu – “Những ông dai như dẻ rách thế mới đúng là quái kiệt. Họ sưu tập cho kỳ được thứ họ thiếu và thích”.
Khi sách thơ Xuân Diệu là hàng hiệu
Khi nội bộ gia đình nhà thơ Huy Cận xảy ra tranh chấp, luật sư Cù Huy Hà Vũ đi tù, con cháu bán đồng nát một số sách trong đó có thủ bút Huy Cận. Có người đã tình cờ mua được, không biết qua nguồn nào: đồng nát, hiệu sách cũ hay trực tiếp.
Anh Thăng “vớ” được ba chữ ký của Huy Cận, có cả bản viết tay bài thơ trong đó mô tả hình ảnh cô gái áo trắng. Thăng cười: “Không biết báo đã đăng chưa” và khẳng định không phải “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong/ Hôm xưa em đến mắt như lòng”, bài này khác hoàn toàn, rất lạ, được viết về cô y tá bác sĩ nào đó trong thời gian nhà thơ nằm viện.
Tập "Lửa thiêng" có chữ ký và lời đề tặng của Huy Cận năm 1940 và trang cuối của cuốn "Thơ thơ"
Chữ ký của Xuân Diệu lại đến từ một “lô” khác. Nhân dịp giao lưu với người đọc, Xuân Diệu ký tặng cuốn “Ký sự đi thăm nước Hung”. Bản sách này có chữ ký của Xuân Diệu và vài dòng của người được tặng, đại ý: “Tôi đã được diện kiến nhà thơ Xuân Diệu lần đầu tiên, tại buổi ra mắt cuốn sách này”. Tuy nhiên, anh Thăng cho rằng “chữ ký của một danh nhân nhưng có giá trị khác nhau. Chẳng hạn bây giờ, ông nào có được chữ ký và lời đề tặng của Xuân Diệu trong cuốn “Thơ thơ” – tác phẩm đầu tiên đưa Xuân Diệu vào danh sách những nhà thơ nổi tiếng nhất VN – mới là vô giá”.
Anh Thăng vừa nói như vậy hôm trước, thì hôm sau tôi xuống thành phố Bắc Ninh gặp ngay cuốn này tại nhà anh Trịnh Hùng Cường. Đầu sách có thủ bút của Xuân Diệu bằng mực xanh, ghi rõ “Mỹ Tho, 18 - VIII- 1941”. Sách in trên một loại giấy dày màu nâu vàng, có hoa văn lá đề lá chanh lấp lánh màu vàng, vẫn còn mùi thơm.
Cuối sách in dòng chữ: “Ở đây tạm hết Thơ thơ/ Hãy còn gửi hương cho gió”, và trang bên in dòng: “THƠ THƠ của Xuân Diệu thuộc về loại sách mỹ thuật của Đời Nay, 80 đường Quán Thánh Hanoi. Bức vẽ làm nền, bìa và cách xếp đặt đều theo kiểu mẫu của họa sĩ Lương Xuân Nhị. Sách in xong ngày 15 Decembre 1938 tại Trung Bắc Tân Văn 107 Hàng Buồm Hanoi.
Thơ Thơ in ra 1 loại sách thường gồm có 1000 bản giấy L.B.N Voiron, 47 bản Verge Baroque, và 1 loại sách quý mang chữ ký của tác giả gồm có: 63 bản Chamois dành riêng cho bạn đặt tiền trước, đánh số từ C1 đến C63; 13 bản De Rives đánh số từ R1 đến R13; 5 bản Imperial Annam à la Cuve, ba bản đề từ A đến C, hai bản đề XD và HC; 18 bản này không bán”.
Như vậy, cuốn “Thơ thơ” mà nhà sưu tập Trịnh Hùng Cường đang sở hữu là một trong 18 bản sách quý.
Cuốn “Lửa thiêng” của Huy Cận cũng đang có mặt trong nhà Cường, có dòng “tặng Ưng Ý hai lần tôi đã gặp đều ở sân ga”, bên dưới là chữ ký của Huy Cận và dòng chữ “Hanoi Noel 1940”, nghĩa là một tháng sau khi sách ra đời (30/11/1940). Dòng chữ cuối sách cũng cho thấy “Lửa thiêng” được in tới 3.149 cuốn, bằng nhiều loại chất liệu: giấy bản, lụa gió, Annam à la Cuve, Imperial, giấy bản thượng hạng…
Thế mới hiểu rằng, thời thơ mới, cái gì cũng mới, kỹ thuật in cũng mới. Nhưng các thi nhân đều tỉ mẩn với từng tác phẩm của mình, một sự tỉ mẩn chia lớp phân tầng thường chỉ xuất hiện ở các loại hàng hiệu châu Âu.
Theo một nhà sưu tập có tiếng ở Hà Nội, cuốn “Thơ Thơ” và “Lửa thiêng” trong bộ sưu tập của Trịnh Hùng Cường là những thứ không mua được bằng tiền. Để có những cuốn như vậy, nhà sưu tập phải đổi cho người sở hữu (thông thường là các nhà nghiên cứu) những cuốn sách mà họ đang rất cần.
Đón xem kỳ 2 trên Tiền Phong Chủ nhật số 82 “Một trăm triệu, được một ba lô sách Nguyễn Văn Vĩnh”. Đây là kết quả một chuyến vào Nam của một nhà sưu tập trẻ ở miền Bắc. Anh còn nhờ người mua từ Pháp, Áo để mang về những cuốn sách quý hiếm khác, vừa thỏa thú sưu tập vừa ngăn chặn phần nào nạn chảy máu sách cổ đang trở thành xu hướng khó cưỡng.