Giá tăng, dân “tấp nập” mua bán
Thị trường vàng đang diễn ra những điều lạ kỳ khi giá ngày càng tăng mạnh, người dân càng ùn ùn kéo đến các cửa hàng vàng, mua bán. Hơn một thập niên, lâu lắm người ta mới lại chứng kiến cảnh dân tranh thủ chốt lời hay mua gom vàng, bất chấp giá vàng miếng SJC đang ở ngưỡng cao gần 81 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao nhất trong lịch sử hơn 68 triệu đồng/lượng.
Sáng 5/3, người dân xếp hàng mua bán vàng Ảnh: Như Ý |
Tại một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 5/3, tái diễn cảnh người dân phải xếp hàng, lấy phiếu chờ 15 - 20 phút mới được vào giao dịch. Khách hàng liên tục nhìn vào bảng giá vàng và nhiều người phải thốt lên “cao quá”. Giá cao là vậy nhưng nhiều người lại đua nhau mua vào với tâm lý ăn chắc càng để lâu giá càng cao.
Anh Minh Phúc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi quyết định mua 5 lượng vàng SJC với giá hơn 400 triệu đồng. Với tôi, giá vàng tăng là điều tốt còn giảm cũng không sao bởi mình mua tích trữ nên hôm nay dù giá cao tôi vẫn mua vào”.
Còn chị Thu Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng mua vào 10 chỉ vàng nhẫn và 2 lượng vàng miếng. “Giờ lãi suất ngân hàng thấp không hấp dẫn nên tôi chỉ mua bán vàng. Từ đầu năm đến nay, tôi mua vào - bán ra liên tục và luôn lãi. Nếu thấy giá xuống thấp hơn giá tôi mua vào tôi sẽ vẫn giữ”, chị Hoa cho hay.
Quan sát thực tế, không ít những vị khách đến cửa hàng chốt lời chỉ sau vài tháng. Chị Bích Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) bán ra 18 lượng vàng thu về hơn 1,4 tỷ đồng. “Lúc tôi mua giá vàng chưa đến 74 triệu đồng/lượng, giờ bán ra chốt lãi chỉ sau 3 tháng. Tôi chờ giá vàng chỉnh giảm sẽ mua vào tiếp”.
Sửa gấp Nghị định 24 để “hạ nhiệt” thị trường vàng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định, nếu không sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục phá vỡ các kỷ lục trong thời gian tới.
Ông Hùng phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường vàng trong nước liên tục tăng trong thời gian gần đây. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua. Hiện, giá vàng thế giới ở mức 1.120 USD/ounce. Tuy mức giá này chưa bằng đỉnh được lập lên tới 1.350 USD/ounce vào năm ngoái nhưng hiện giá vàng thế giới tăng bền vững. Giá vàng thế giới tăng chắc chắn giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Với vàng miếng SJC, giá có thể vượt lên mốc 85 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn lên trên 70 triệu đồng/lượng.
Ngoài ra, theo ông Hùng, ngoài yếu tố thế giới, giá vàng trong nước tăng vì khan hiếm trong khi nhu cầu mua tích trữ và đầu tư của người dân lớn. Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước không còn cấp hạn ngạch dập vàng miếng SJC. Nhiều người có vàng SJC chưa muốn bán ra nên cung - cầu trong nước thêm lệch pha, khiến giá vàng tăng nhanh và khó giảm theo giá thế giới.
Ngày 5/3, tỷ giá USD tiếp tục tăng mạnh so với hôm qua. Đặc biệt, trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục lập kỷ lục mới lên 25.700 đồng/USD. Chốt phiên, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 400.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn 67,38 - 68,58 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng. Đây là mức giá vàng nhẫn cao nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến giá vàng tăng không ngừng, bà Lê Thị Hương Trà, Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng phân tích, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng cao hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh cao nhất đối với vàng nhẫn và gần kỷ lục đối với vàng miếng SJC. “Tôi cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh trong những ngày gần đây trước hết là đồng USD liên tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác. Cùng với đó, giá vàng trong nước bám theo chuyển động của giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới trên thực tế chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí còn lên sát mức kỷ lục trong lịch sử”, bà Trà nói.
Theo bà Trà, xung đột quân sự ở một số nơi có thể lan rộng nên cả thế giới đang khiến nhiều người tìm đến vàng để tích trữ và tìm tới USD để đảm bảo thanh khoản cao. Do đó, các Ngân hàng Trung ương liên tục mua vàng vào để tăng dự trữ. Ngoài ra, thực tế hiện nay, sức cầu đối với vàng tại thị trường trong nước luôn có nhu cầu tăng. Chính vì thế, giá vàng vẫn nằm trong xu thế đi lên, đồng thời chênh lệch giá mua - bán được kéo rộng gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Để hạ nhiệt thị trường vàng, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải sửa gấp Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng.
Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới. Mới nhất, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3, Thủ tướng nêu nhiều nhiệm vụ, yêu cầu sửa đổi nghị định về quản lý thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng miếng có nhiều biến động. Tính đến nay giá vàng miếng SJC hai lần vượt mốc 80 triệu đồng/lượng.