Vàng SBJ niêm yết tại Sacombank có giá: 46,88 – 47,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB cùng thời điểm mua – bán tương ứng là 47,39 – 4749 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC (giá áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh) cuối buổi sáng mua vào 47,39 triệu đồng/lượng, bán ra 47,59 triệu đồng/lượng. So với hôm qua, vàng giảm hơn 100.000 đồng/lượng.
Vàng thế giới hôm qua dao động nhẹ, trong bối cảnh khủng hoảng nợ tại châu Âu ngày càng phức tạp khiến nhiều người lo ngại. Các chuyên gia phân tích nhận định một bộ phận nhà đầu tư đã chốt lời, sau khi vàng tăng bốn tháng liên tiếp, nhưng chưa thể phá vỡ mức kháng cự 1.800USD/Oz.
Cuối tuần trước, kim loại quý đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng, do thị trường lo ngại lạm phát, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương khác đã lần lượt công bố các chính sách hỗ trợ tài chính mới.
Khép phiên giao dịch đêm 10-10 tại Mỹ, vàng giao tháng 12 tăng 0,3USD lên 1.765,3USD/Oz trong khi vàng giao ngay giảm 0,2USD còn 1.764,25USD/Oz. Bước vào phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, vàng giao ngay mất 75 cent còn 1.762,9USD/Oz, còn vàng tương lai tại Mỹ xoay quanh 1.765,1USD/Oz.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy khối lượng giao dịch vàng hôm qua đã giảm mạnh dưới mức trung bình trong 30 ngày. Tuy nhiên, một khảo sát khác của Reuters đối với 27 chuyên gia cho thấy phần lớn ý kiến vẫn lạc quan về đà tăng của giá vàng trong dài hạn.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố sáng nay là 20.828. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại tăng lên 20.870 – 20.910 (mua vào – bán ra).