Chợt nhớ lần ông Huỳnh Tấn Thành-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xin từ chức làm dư luận nghĩ tới một tín hiệu mới: Văn hóa từ chức?
Tác giả: Dương Xuân Nam |
Theo báo chí lúc đó, ông Chủ tịch tỉnh Bình Thuận có liên quan đến việc: Thiếu kiểm tra, giám sát để UBND tỉnh giao đất một số dự án không đúng quy định. Tỷ như vụ giao 50.000 m2 đất cho dự án cảng vận tải Phan Thiết. Hay việc nhà máy cồn Tùng Lâm, nhà máy mì Phan Thành Tâm xả thải làm cá chết hàng loạt, nước sông bị đổi màu đỏ bầm, đặc quánh và tanh …
Được biết đầu năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Tấn Thành. Từ việc từ chức của ông Thành, cũng không ít người đặt câu hỏi, từ trước đến nay, có nhiều người quyền chức cao, cũng có thiếu sót, khuyết điểm, có cả những người bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nhưng tuyệt nhiên không thấy họ xin từ chức?!
Việc Ban Chấp hành TƯ Đảng cho các ông: Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang và Huỳnh Tấn Việt thôi tham gia Ban Chấp hành, có phải là một thông điệp mạnh mẽ đối với những cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, uy tín thấp?
Cách đây khá lâu, dư luận cũng rộ lên việc ông Trần Đăng Tuấn-Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam làm đơn từ chức và được chấp nhận. Tuy nhiên việc từ chức của ông Tuấn lại hoàn toàn khác. Ông Tuấn từ chức khi đang làm tốt công việc của mình, chưa thấy nói có thiếu sót, khuyết điểm. Theo như tâm sự của ông Tuấn, việc từ chức của ông là “để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh khác, giúp có thêm những trải nghiệm khác …”
Tuy lý do từ chức khác nhau nhưng cả hai trường hợp đều đã nói lên một điều: “Từ chức” không còn là khái niệm quá xa lạ ở nước ta!
Trên thế giới, việc một bộ trưởng, một thủ tướng từ chức khi thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm.., là chuyện bình thường. Nhưng ở nước ta, điều này là điều hiếm hoi. Bởi vậy việc từ chức của ông Thành và ông Tuấn làm dư luận quan tâm. Thậm chí rất quan tâm!
Khi thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, từ chức để người khác lên thay sẽ làm tốt công việc của mình hơn, phải chăng là một hành động vì lợi ích cộng đồng? Hay đơn giản, việc từ chức đôi khi xuất phát từ chính việc giữ gìn danh dự cho người có chức vụ? Văn hóa từ chức là văn hóa ứng xử của những người có chức, có quyền trong thế giới văn minh hiện nay và ở nước ta cách ứng xử này cũng dần phải được coi là chuyện bình thường.