Văn hóa, con người Hà Nội quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt ra nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên cho cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của Thủ đô.

Quận Nam Từ Liêm là địa bàn đầu tiên của Hà Nội triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. Tất cả các phòng, ban thuộc Quận ủy, UBND quận Nam Từ Liêm, các đoàn thể và các phường trực thuộc đều xác định phương châm hành động “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn), “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), “3 không” (không chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ và công việc; Không sách nhiễu, phiền hà nhân dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần)... Mô hình này được cộng hưởng với triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, hình thành nên những nét đẹp văn hóa mới, vừa nâng cao hiệu quả công việc, vừa hình thành một nền hành chính vì dân.

Văn hóa, con người Hà Nội quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô ảnh 1

Chương trình 06 Thành ủy Hà Nội đã góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại

Mô hình đã dần được thực hiện tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đối với cán bộ, công chức viên chức. Trở thành việc làm thường xuyên và lâu dài, duy trì những chuẩn mực văn hóa ở nơi công sở và nơi công cộng. Qua đó, tạo sự đột phá về lề lối làm việc, tạo sự chuyển biến trong ứng xử, giao tiếp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Để nâng cao văn hóa công vụ, Ban Chỉ đạo Chương trình 06 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tại các sở, ngành, đoàn thể, quận huyện; Yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc hơn nữa Quy tắc ứng xử. Trong 3 năm, toàn thành phố đã thực hiện 2.420 cuộc kiểm tra công vụ.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 04 ngày 19/6/2019 về tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Thành phố đã tổ chức Hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào đến 100% cán bộ chủ chốt từ cấp xã, phường, thị trấn trở lên và các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội về văn hóa giao tiếp, ứng xử; từng bước xây dựng hình thành chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn.

Đặc biệt, phong trào được gắn với thực hiện 2 quy tắc ứng xử được thành phố ban hành từ đầu năm 2017.

Kết quả thể hiện qua những con số, bằng chứng là Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố đã có bước tiến qua từng năm. Năm 2020, chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) tăng 19 bậc; Năm 2021, chỉ số này tăng 22 bậc (xếp thứ 30/63). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 39 bậc, vươn lên xếp thứ 9/63 tỉnh.

Chuyển biến nhận thức từ mỗi cán bộ, công chức

Văn hóa, con người Hà Nội quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô ảnh 2

Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Với những nỗ lực trong việc tuyên truyền thực hiện, bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ; có phong cách ứng xử văn minh; xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ.

Còn đối với bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã định hướng nhằm hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, đảm bảo tính thực tiễn. Qua đó, góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được sự hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Nhiều phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thủ đô vận động các tổ chức, gia đình trên địa bàn cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Để có được kết quả trên, công tác tuyên truyền đã được Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội (Cơ quan thường trực triển khai các quy tắc) thực hiện bài bản, phong phú, đa dạng. 40.000 cuốn sổ tay, 30.000 tờ tuyên truyền đã được in ấn, 30 hội nghị, tọa đàm cho đội ngũ báo cáo viên 30 quận huyện, thị xã đã được tổ chức.

Quy tắc ứng xử còn được tuyên truyền tại những nơi công cộng, tòa nhà chung cư, trường học, chợ, siêu thị, màn hình thang máy... Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền còn được tổ chức thông qua khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm như: Chương trình biểu diễn Flashmob, các trò chơi vận động, đố chữ...

Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Đảng ủy khối các cơ quan thuộc thành phố tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội”. Kết quả đã có 68/68 đơn vị tham gia với tổng số hơn 12.000 người tham gia.

Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và triển khai hiệu quả. Phong trào đã góp phần quan trọng trong việc công khai, minh bạch công tác quản lý, điều hành công việc ở các cơ quan, đơn vị, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị... Các nội dung của phong trào và 2 Quy tắc ứng xử được cụ thể hóa trong tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng, năm.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội cũng xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.