Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trưởng đoàn TQ, thậm chí đề nghị chủ nhà điều chỉnh chương trình nhằm “giảm bớt xung đột, thúc đẩy hợp tác và giúp ổn định an ninh khu vực”.
Đề nghị không được chấp thuận. Như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Đối thoại Shangri-La không nhằm gây tổn hại cho bất kỳ nước nào, và “các bên liên quan cần thẳng thắn chia sẻ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau về vấn đề tranh chấp ở biển Đông”.
Shangri-La 15 cũng là kỳ đối thoại “cuối cùng” trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với đường chín đoạn của TQ. Phán quyết sẽ được đưa ra trong tháng 6 này, mà theo giới phân tích, có thể có lợi cho Philippines, và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cục diện biển Đông và quan hệ quốc tế.
Tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews lo ngại: “Giống như các định luật Newton, khía cạnh an ninh quốc tế cũng thường đặc trưng bởi một hành động và cách phản ứng tương ứng với hành động đó. Vì thế, trước khi ra quyết định, cần lưu tâm đến hệ quả của hành động và khả năng những hành động này dẫn tới sự leo thang hay tính toán sai lầm”. Chia sẻ của ông Andrews cho thấy, vấn đề biển Đông dường như đang giằng xé Shangri-La. Bởi lẽ, trong khi chờ phán quyết của PCA, thì lại dấy lên mối lo về các bước tiếp theo của TQ ở khu vực, về khả năng Bắc Kinh đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không trên biển Đông.
Trước thềm Đối thoại Shangri-La, TQ đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao để có thêm sự ủng hộ nhằm chống phán quyết của PCA. Việc quân sự hóa trên các đảo bồi đắp trái phép trên biển cũng được TQ đẩy mạnh, qua việc đưa máy bay không người lái và vũ khí lên trên đảo.
Ở phía ngược lại, Mỹ và nhiều nước kêu gọi TQ tuân theo phán quyết của PCA. Bản thân phái đoàn Washington khi đến khu vực cũng liên tục vận động các nước ủng hộ phán quyết của PCA. Đáp lại, TQ đẩy nhanh hơn tham vọng ở biển Đông.
Với những diễn biến trên, có thể thấy, Bắc Kinh sẽ chống lại bất cứ phán quyết nào của PCA. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, vốn là hòn đá tảng trong tranh chấp trên biển giữa các quốc gia, cũng vì thế mà đứng trước thách thức mới.