Đối thoại Shangri-La là cơ hội cuối cùng để hai cường quốc giành ủng hộ trước khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc mà Philippines là nguyên đơn. Hãng tin Reuters hôm qua dẫn lời các chuyên gia an ninh cho rằng, Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á và những nước lớn như Ấn Độ, Nhật Bản công khai ủng hộ bất kỳ phán quyết tích cực nào đối với Philippines. Ngược lại, Trung Quốc sẽ cố gắng dùng ảnh hưởng của mình để khiến các nước không đưa ra một quan điểm công khai, để Bắc Kinh có thể ngăn chặn những chỉ trích từ phương Tây dễ dàng hơn.
“Giá trị của vụ kiện này là sự tổn hại danh tiếng lâu dài và áp lực lên Trung Quốc. Nó chỉ có tác dụng nếu bạn tạo được một liên minh lớn để thu hút sự chú ý của cộng đồng”, Reuters dẫn lời ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (trụ sở tại Washington). “Nhưng nếu Trung Quốc có thể thuyết phục nhiều nước không bày tỏ quan điểm thì sẽ tránh được nhiều chỉ trích”, ông Poling nói.
Dự kiến, tại Đối thoại Shangri-La 2016, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế sẽ đưa ra văn bản phê phán Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Trong ảnh: Trung Quốc đưa trái phép tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Ảnh: ImageSat International.
Trong số hơn 20 đoàn đại diện tham dự diễn đàn, sự chú ý dồn nhiều hơn vào quan điểm của các nước Đông Nam Á, trong bối cảnh ASEAN không phải lúc nào cũng đồng thuận về cách thức đối phó đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông khi bản thân những nước này cũng phải cân bằng giữa một bên là lợi ích an ninh và một bên là quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ có bài phát biểu chủ đạo tại diễn đàn. Bài phát biểu chắc chắn sẽ được “soi” rất kỹ để tìm ra những manh mối về quan điểm chiến lược của Thái Lan. “Chính sách của Thái Lan phản ánh tình trạng khó khăn của khu vực”, ông Tim Huxley, một chuyên gia về an ninh thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược tại London (Anh), nhận xét. “Các quốc gia khu vực muốn có quan hệ tích cực với Trung Quốc nhưng đồng thời nghiêng về phương Tây về chiến lược, và họ cũng có những lý do để thận trọng trước cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực”, Reuters dẫn lời ông Huxley.
Đối thoại Shangri-La diễn ra trong 3 ngày là cơ hội hiếm hoi để các quan chức quân sự, tình báo và các nhà lãnh đạo dân sự tranh luận công khai về những căng thẳng cùng xu hướng quốc phòng ở khu vực. Đối thoại diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi chiến lược đáng kể ở khu vực, đặc biệt là việc ông Rodrigo Duterte sắp trở thành tổng thống Philippines với những quan điểm khác biệt về vấn đề biển Đông.
Không chỉ tại Đối thoại Shangri-La, những tranh chấp trên biển Đông dự kiến cũng sẽ bao trùm Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung diễn ra vào tuần sau tại Bắc Kinh. Phát biểu tại một diễn đàn trước thềm đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang hôm qua lại tiếp tục lớn tiếng giọng điệu đổ lỗi cho Mỹ, rằng Washington không nên hoạch định chính sách của mình về biển Đông dựa trên những gì đồng minh của họ nghĩ. Nếu làm được như vậy và nếu ngừng “các hành động khiêu khích nhằm vào chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc” thì Mỹ “có thể đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định” trên biển Đông và “thúc đẩy hạ nhiệt về vấn đề này”, ông Trịnh nói.
Việt Nam sẽ nêu quan điểm rõ ràng
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Đối thoại Shangri-la và sẽ nêu quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về vấn đề biển Đông tại diễn đàn này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/6 để trả lời câu hỏi của phóng viên về sự tham gia của Việt Nam.
Về câu hỏi Việt Nam chuẩn bị ứng phó như thế nào trong trường hợp Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đối với vụ kiện Trung Quốc, ông Bình khẳng định: Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
“Chúng tôi mong muốn tòa trọng tài đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong công ước quan trọng này”, ông Bình nói.
Các chủ đề thảo luận tại Shangri-La
- Ngày 3/6: Tiếp xúc song phương giữa các bộ trưởng, quan chức quốc phòng; Phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
- Ngày 4/6: Phiên toàn thể thứ nhất: Tìm hiểu các thách thức an ninh phức tạp của châu Á; Phiên toàn thể thứ hai: Xử lý vấn đề cạnh tranh quân sự tại khu vực châu Á; Phiên toàn thể thứ ba: Hoạch định chính sách quốc phòng trong thời kỳ bất ổn; Các phiên họp đặc biệt song song: Kiềm tỏa mối đe dọa Triều Tiên, Phát triển năng lực quân sự: công nghệ tiên tiến, ngân sách hạn hẹp và những lựa chọn khó khăn, Những thách thức an ninh đối với vấn đề di cư bất hợp pháp, Tăng cường hợp tác đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố thánh chiến tại châu Á, Xử lý các căng thẳng tại khu vực biển Đông, Xác định các lợi ích chung trong vấn đề an ninh mạng.
- Ngày 5/6: Phiên toàn thể thứ tư: Các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc; Phiên toàn thể thứ năm: Các thách thức trong giải quyết xung đột; Phiên toàn thể thứ sáu: Theo đuổi các mục tiêu an ninh chung.
Thái An
ASEAN-Trung Quốc sắp họp về DOC, COC
Cuộc họp lần thứ 12 giữa các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC) sẽ diễn ra ngày 9/6 tại Hạ Long. Một ngày trước đó sẽ diễn ra cuộc họp cấp làm việc về DOC và tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đây là cơ chế thường xuyên để thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng COC.
Học viện Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Diễn đàn an ninh biển tại Hạ Long ngày 9 và 10/6. Khoảng 20 diễn giả từ các nước EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam sẽ thảo luận các vấn đề an ninh biển truyền thống, an ninh biển phi truyền thống, phát triển và quản lý biển, cơ chế hợp tác và quản trị liên quốc gia, các nguyên tắc luật pháp và cơ chế giải quyết tranh chấp.