Thâm ý Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (bên trái, phía trước) sau cuộc gặp các quan chức Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore ngày 3/6. Ảnh: TTXVN.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (bên trái, phía trước) sau cuộc gặp các quan chức Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore ngày 3/6. Ảnh: TTXVN.
TP - Trung Quốc tăng tốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên một số đá ngầm, bãi cạn. Trung Quốc cũng độc chiếm quần đảo Hoàng Sa và dần dần xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đó kể từ những năm 50.

Theo tài liệu “Quân sự hóa biển Đông” của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế mà phóng viên Tiền Phong có được tại Đối thoại Shangri-La 2016 (khai mạc hôm 3/6 tại Singapore), Trung Quốc quân sự hóa khu vực tranh chấp trên biển Đông với quy mô rất lớn, vi phạm luật pháp quốc tế. Và điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại là các đảo nhân tạo mà Trung Quốc ngang nhiên xây dựng ở Trường Sa có thể trở thành cơ sở quan trọng cho vũ khí, khí tài của cả Hải quân và Không quân nước này.

Hai năm qua, quần đảo Trường Sa trở thành tâm điểm chú ý vì Trung Quốc tăng tốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên một số đá ngầm, bãi cạn. Trung Quốc cũng độc chiếm quần đảo Hoàng Sa và dần dần xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đó kể từ những năm 50.

Biến các đá ngầm, bãi cạn thành đảo nhân tạo, căn cứ quân sự

Hiện nay, Trung Quốc chiếm đóng 7 đá ngầm, bãi cạn ở Trường Sa, gồm đá Chữ Thập, Subi, Vành Khăn, Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viên. Chỉ trong vòng 8 tháng trong năm 2015, Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thành một đảo nhân tạo rộng 2,65 km2 - thực thể lớn nhất ở Trường Sa.

Cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập hiện có các bức tường chắn sóng, đường bê tông, doanh trại quân đội, tháp đa tầng, bãi đỗ trực thăng, bến cảng, sân bay và hệ thống radar cảnh báo sớm. Bến cảng có thể tiếp nhận các tàu chiến cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc, như tàu đổ bộ Type-071. Hồi tháng 8/2015, máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ phát hiện nhiều tàu của Trung Quốc, trong đó có các tàu chiến hải quân, tàu hải cảnh gần đá Chữ Thập. 

Đường băng dài 3km trên đá Chữ Thập được Trung Quốc đưa vào hoạt động từ tháng 1/2016, khi nước này cho máy bay chở khách Airbus  A319 và Boeing 737 thử nghiệm hạ cánh. Sân bay này có thể được sử dụng bởi hầu hết các loại máy bay chiến đấu và hỗ trợ của Không quân và Hải quân Trung Quốc. 

Tuy nhiên, một quan chức Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc nói rằng, sân bay này sẽ đóng vai trò trung tâm hàng không ở Trường Sa, sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển người, hàng hóa, thiết bị y tế khẩn cấp ở đá Chữ Thập và các vùng phụ cận. Báo chí Trung Quốc đưa tin, một số cơ quan chính phủ, bao gồm ngư nghiệp, hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và xử lý rác thải sẽ được thành lập trên đá Chữ Thập.

Dù Trung Quốc nhấn mạnh vai trò dân sự của đá Chữ Thập (đã được cải tạo, mở rộng thành đảo nhân tạo), nhưng các công trình xây dựng trên đó cho thấy đá Chữ Thập trong tương lai sẽ trở thành cơ sở quan trọng cho vũ khí, khí tài của cả Hải quân và Không quân Trung Quốc.

Trung Quốc xây một công trình trên đá Subi, ở phía đông bắc đá Chữ Thập, vào những năm 90. Sau đó, đá Subi có bãi đáp trực thăng, một phần hệ thống radar và liên lạc vệ tinh. Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu biến đá ngầm này thành đảo nhân tạo. Tính đến đầu năm 2016, một đường băng dài 3km trên đảo nhân tạo này gần hoàn thành.

Bắc Kinh chiếm đóng đá Vành Khăn, đông nam đá Subi, vào năm 1995 và nhanh chóng xây dựng trên đó. Tháng 10/1998, Trung Quốc xây thêm 3 công trình hình 8 cạnh và 2 tháp bê tông cao 2 tầng với ăng-ten tần số cao và liên lạc vệ tinh. Dường như hai tháp này có radar và thiết bị tình báo điện tử. Sau đó, Trung Quốc xây 2 cầu cảng, 1 bãi đỗ trực thăng, lắp đặt radar điều hướng và súng phòng không. Tháng 9/2015, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một đường băng bê tông dài 3km. Đây là đường băng thứ 3 mà nước này xây dựng ở Trường Sa.

Trên đá Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Gạc Ma, Trung Quốc cũng xây dựng các bức tường kiên cố, ụ súng, bến tàu, bãi đỗ trực thăng, radar, tháp và tòa nhà cao tầng. Ảnh vệ tinh chụp đá Gạc Ma năm 2015 cho thấy sự xuất hiện của hai tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển gần đó.

Giai đoạn 2014-2015, Trung Quốc xây đường kiên cố trên hầu hết các đảo nhân tạo, lắp đặt mạng ăng-ten, cảng biển, bến tàu trên bốn tiền đồn, tiếp tục phát triển đường băng 3km trên đá Chữ Thập và thiết lập hạ tầng trinh sát, giám sát, tình báo trên hầu hết các tiền đồn. Ngoài ra, khi cả 3 sân bay Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa đi vào hoạt động, quân đội nước này sẽ có khả năng vận hành các máy bay lớn hơn, tinh vi hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á. Nếu xây dựng các nhà chứa máy bay và hạ tầng phụ trợ, Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ trở thành nước duy nhất trong khu vực có thể vận hành máy bay ném bom tầm xa từ các sân bay mà nước này xây dựng trong vùng tranh chấp trên biển Đông.

Nói một đằng làm một nẻo

Có sự khác biệt cơ bản giữa việc triển khai quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á và các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Trừ các chiến dịch thực thi tuần tra tự do hàng hải, bay và tuần tra hải quân định kỳ, các hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á tuân thủ hợp tác với chính quyền các nước trong khu vực. Mỹ triển khai tàu và máy bay từ Philippines và Singapore với sự đồng ý của chính phủ hai nước này. Trong khi đó, các lực lượng của Mỹ có mặt ở Philippines là theo thỏa thuận Mỹ-Philippines về việc các lực lượng thăm viếng lẫn nhau. 

Hồi tháng 1/2016, Tòa án Tối cao Philippines phán quyết rằng, Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines là phù hợp hiến pháp. Trong những năm gần đây, các cuộc tập trận đổ bộ quy mô nhỏ được các lực lượng vũ trang Mỹ và Philippines thực hiện. Ngoài ra, các cuộc tập trận song phương giữa Mỹ và hải quân các nước Đông Nam Á tập trung vào xây dựng năng lực, hợp tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa.

Trung Quốc nói họ không can thiệp tự do hàng hải nhưng các hoạt động của nước này cho thấy điều ngược lại. Các lực lượng của Trung Quốc đã cản trợ sự đi lại của máy bay, tàu quân sự nước ngoài, bằng cách cảnh báo rằng, họ đang đi vào “khu an ninh quân sự”, đe dọa cái gọi là sự an toàn của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Theo Đô đốc Hải quân Mỹ Scott Swift, các hoạt động quân sự của các nước ở biển Đông thường xuyên nhận được cảnh báo đó của Trung Quốc. 

Sự đơn phương khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đã trở nên không thể chấp nhận, Đô đốc Swift nói. Ông Swift cũng cho biết, tàu thuyền thương mại trước đây tự do đi lại trên các tuyến đường biển quốc tế ở biển Đông đã buộc phải chuyến hướng, tránh xa các khu vực gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái luật quốc tế.

Không những thế, ngư dân trong khu vực thường bị “hải quân, hải cảnh, lực lượng chấp pháp trên biển hăm dọa, đe dọa sinh kế của họ” trong vùng biển được gọi là đường chín đoạn, Đô đốc Swift nói. Dù ông không nêu rõ đích danh nhưng từ “hải quân” ở đây ám chỉ Hải quân Trung Quốc. Trong khi đó, trong 9 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã tăng mạnh về quy mô và tần suất triển khai quân sự ở tây Thái Bình Dương và biển Đông.

 Hạm đội Bắc Hải của nước này triển khai quân sự hai lần trong giai đoạn 2007-2009, trong khi hạm đội Bắc Hải và Nam Hải mỗi hạm đội triển khai 1 lần trong giai đoạn 2010-2012, và 8 lần trong giai đoạn 2013-2014. Cuối năm 2015, Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân quy mô lớn, bao gồm các hoạt động đổ bộ và tấn công giả định. Các khoa mục khác bao gồm tàu nổi tập trận bắn đạn thật chống tàu ngầm.

Hiện nay, Trung Quốc có 4 tàu ngầm lớp Jin Type-094 mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cơ sở hải quân gần Tam Á trên đảo Hải Nam là cảng nhà của cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, lần đầu tiên, Trung Quốc triển khai tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Ấn Độ Dương.

Các chuyên gia quân sự nhận định, vùng nước sâu (2.000m) quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông hoàn toàn có thể tiếp nhận tàu ngầm. Cơ sở hạ tầng tại đá Chữ Thập có thể hỗ trợ sự đồn trú của các tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân nếu Trung Quốc quyết định làm thế trong tương lai.  

Cần giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông

Bên lề Đối thoại Shangri-La 2016, ngày 3/6 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hội đàm với người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu. Hai bên thảo luận cơ hội tăng cường hợp tác khu vực và nhu cầu giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, Tòa trọng tài quốc tế sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc và cả hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện phán quyết này. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hội đàm với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen. Tại buổi họp báo chung sau hội đàm, ông Carter nói rằng, có nhiều lý do để Mỹ thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Nam Á, ở biển Đông. Tuy nhiên, tất cả đều dựa trên nguyên tắc, sự hợp tác và lợi ích chung.     

Thu Loan (theo CNN)

Đối thoại Shangri-La đông nhất

Tối 3/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 khai mạc với phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Đối thoại năm nay có số đại biểu cao nhất từ trước tới nay - gần 600 người, trong đó có các quan chức quốc phòng từ hơn 30 quốc gia cùng nhiều học giả. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.

TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định, việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể dẫn tới va chạm, xung đột quân sự trên biển. Trong khi đó, TS William Choong, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho rằng, Mỹ có thể tăng cường hợp tác với các nước đồng minh, đối tác để đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Đối thoại Shangri-La 2016, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), một đại biểu tham dự Đối thoại, nhận định, Tòa trọng tài thường trực có thể sắp ra phán quyết có lợi cho Philippines. Ví dụ, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng chỉ là bãi nửa nổi nửa chìm hoặc là đá ngầm mà bãi nửa nổi nửa chìm sẽ không được phép có vùng biển xung quanh, còn đá ngầm thì chỉ có vùng 12 hải lý xung quanh, không có vùng đặc quyền kinh tế. Có điều Trung Quốc không tham gia vụ kiện và sẽ nhất quyết không tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc có tương đối đầy đủ cơ sở hạ tầng, nguồn lực để có thể tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông.        

Thu Loan - Thái An

MỚI - NÓNG