Ván cờ của Thổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thổ Nhĩ Kỳ lại phủ bóng đen lên nguyện vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển. Họ đe sẽ rời NATO và lập liên minh quân sự mới ở Trung Đông. Cảnh báo có vẻ khó thành hiện thực nếu biết Thổ luôn cần NATO trong toàn bộ lịch sử của mình.

Lời dọa được đưa ra không phải từ lực lượng cầm quyền. Ngày 25/5, thủ lĩnh Đảng Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ thề rút Thổ khỏi NATO nếu liên minh không đáp ứng các đòi hỏi của Thổ. Ông còn đề xuất lập liên minh mới với khối Hồi Giáo thay NATO. Có điều tổng thống Erdogan chưa từng nói thế dù ông lúc nào cũng gay gắt.

Đương nhiên Thổ tự biết mình quan trọng thế nào với NATO. Họ là phên dậu cho mạn đông nam của NATO, nơi tiếp giáp với khối Hồi Giáo và Nga, hai đối thủ chiến lược của cả hai thực thể. NATO đánh giá cao Thổ thời chiến tranh lạnh, ngăn ảnh hưởng của Liên Xô xuống Trung Đông.

Đương nhiên Thổ càng biết họ không thể thiếu NATO. Tọa ở vị trí đặc biệt – giao giữa Trung Đông, Đông Âu, vùng Caucasus, và Trung Á với các thể chế rất khác nhau - Thổ đã chọn bên ngay từ khi thành lập nền cộng hòa năm 1923. Họ biết ơn NATO và Mỹ giúp khôi phục kinh tế nhờ hưởng lợi từ Học thuyết Truman (1947) và Kế hoạch Marshall (1748) đậm màu ý thức hệ.

Trước và sau khi gia nhập NATO năm 1952, họ chủ động thể hiện ý chí chính trị theo nhiều cách. Năm 1950, họ sang giúp Hàn Quốc chống quân Triều Tiên xâm nhập vĩ tuyến 38. Năm 1960, họ tặng NATO bức khảm hoành tráng do nghệ nhân danh tiếng nhất nghệ thuật đương đại Thổ chế tác. Bức khảm hơn 10 tấn kích thước 14x3,3 mét được treo lần lượt ở trụ sở của NATO ở Paris (Pháp) rồi Brussels (Bỉ).

Cho rằng Thổ làm căng với NATO nhằm xoa dịu Nga trong cuộc chiến ở Ucraine, thực ra chưa hẳn. Thổ có nhiều hợp đồng vũ khí với Nga nhưng thua xa so với hiện diện của NATO với hàng loạt cơ cấu chính trị và tổ chức. Ông Murat Ersavci, từng làm đại sứ Thổ lần lượt tại bốn nước Châu Âu, thậm chí nói: “Dè dặt của Thổ không liên quan đến bất kỳ xoa dịu nào với Nga”.

Nhất định Thổ còn làm căng từ giờ cho đến thượng đỉnh NATO tháng tới. Chợt nhớ con số 420.000 người, chiếm 30% dân số ba thành phố lớn của Thổ nơi diễn ra triển lãm lưu động “Lễ hội Hòa bình” của NATO suốt 29 ngày, háo hức xem triển lãm này. Khi bầu cử tổng thống năm 2023 sắp diễn ra, ông Erdogan hẳn không thể phớt lờ tâm thế cử tri về NATO. Các ồn ào quanh chuyện mở rộng NATO, bởi thế, có lẽ sẽ dịu dần theo thời gian.

MỚI - NÓNG