Phát biểu ngày 18/5, Tổng thống Milanovic cho biết việc Croatia lên tiếng phản đối sẽ chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang các vấn đề mà nhóm người Croatia ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina đang phải đối mặt.
Croatia từng nhiều lần phản đối hệ thống bầu cử hiện tại ở Bosnia-Herzegovina, nơi có cộng đồng người Croatia và được công nhận là bình đẳng theo hiến pháp năm 1995. Zagreb mong muốn nước láng giềng cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở Bosnia-Herzegovina có thể bầu ra đại diện của chính mình.
“Tôi từng nói cộng đồng người Croatia ở Bosnia còn quan trọng hơn với tôi hơn biên giới Nga – Phần Lan”, Tổng thống Milanovic nói.
Trước đó hồi cuối tháng 4, ông Milanovic từng đưa ra phát biểu tương tự. “Theo những gì tôi biết, thì họ có thể gia nhập NATO. Việc này chẳng khác nào dùng bút chọc vào mắt con gấu hoang. Tuy nhiên, chỉ đến khi vấn đề luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina được giải quyết, chỉ đến khi Mỹ-Anh-Đức buộc Bosnia-Herzegovina cập nhật luật bầu cử trong 6 tháng tới và cấp cho người Croatia quyền cơ bản của họ, thì Quốc hội Croatia sẽ không phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ quốc gia nào”, ông Milanovic nói.
Tổng thống Croatia chỉ ra rằng NATO không thể kết nạp thành viên mới nếu không có sự chấp thuận của các thành viên hiện tại. Do đó, ông Milanovic coi vai trò của Croatia ở thời điểm hiện tại là “viên đạn bạc lịch sử”.
“Hãy để Tổng thống hoặc Ngoại trưởng Mỹ được nghe điều này. Hãy xem họ có thể làm gì cho Croatia. Chúng tôi đã hết chịu nổi cảnh họ phớt lờ Croatia – vốn là một thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU). Nếu Mỹ và các đồng minh tây Âu muốn 2 quốc gia Scandinavia gia nhập NATO, thì họ phải lắng nghe Croatia.”
Đề cập đến việc một quốc gia thành viên NATO khác là Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Phần Lan – Thụy Điển gia nhập liên minh, Tổng thống Milanovic nói “Ankara đã cho thấy cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia”.
“Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không thay đổi trước khi đạt được những gì họ muốn”, ông Milanovic nhấn mạnh.
Phần Lan và Thụy Điển hôm nay (18/5) đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của khối ở Brussels (Bỉ), bắt đầu quá trình xét duyệt tư cách thành viên dự kiến sẽ kéo dài khoảng một năm.
Hầu hết các thành viên đều được cho là sẽ ủng hộ kết nạp Phần Lan, Thụy Điển. Tuy nhiên, kế hoạch của 2 nước có thể gặp cản trở do sự phản đối của Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh khi nói rằng nước này sẽ không chấp thuận việc 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO. Thụy Điển và Phần Lan từng cho phép những người chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ được phép tị nạn chính trị, đặc biệt là người Kurd. Đây là điều mà Ankara cho là không thể chấp nhận được.
Theo Bloomberg, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan “công khai tố cáo các nhóm mà Ankara cho là khủng bố” trước khi gia nhập NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 16/5 cũng xác nhận rằng Ankara muốn Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ các lệnh trừng phạt thương mại mà 2 nước đã áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc chiến ở Syria hồi năm 2019.