Triển khai tên lửa ở Triều Tiên sẽ tăng cường khả năng của Nga trong việc đối phó Mỹ và đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, bổ sung cho việc triển khai tương tự ở vùng Viễn Đông của Nga. Những diễn biến gần đây, bao gồm các chuyến thăm ngoại giao và thỏa thuận quân sự, cho thấy quan hệ Nga-Triều Tiên đang càng lúc càng nồng ấm. Triều Tiên có thể hưởng lợi từ công nghệ tên lửa tiên tiến của Nga, nâng cao năng lực phòng thủ và vị thế trong các cuộc đàm phán khu vực.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả Nga và Triều Tiên sẽ gặp một khó khăn, thách thức khi triển khai tên lửa. Các quốc gia phương Tây, cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn, ít nhất họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, và kịch bản xấu hơn là khu vực tiến tới xung đột quân sự. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ có thể tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, tập trận chung, thậm chí đưa ra các biện pháp chiến lược mang tính phủ đầu, làm gia tăng chạy đua vũ trang. Trung Quốc, dù là đồng minh truyền thống của Triều Tiên và đang bắt tay Nga chặt hơn, vẫn có thể coi sự hiện diện của tên lửa Nga trên bán đảo Triều Tiên là một yếu tố gây bất ổn và có khả năng làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Dù Triều Tiên hoan nghênh sự hỗ trợ từ Nga, nhưng nước này rất coi trọng chủ quyền và luôn cảnh giác với sự can thiệp từ bên ngoài. Việc cho phép tên lửa nước ngoài hiện diện có thể thách thức tư tưởng Juche (quan điểm độc lập, tinh thần tự lực) của Triều Tiên, có khả năng gây ra căng thẳng nội bộ. Ngoài ra, việc triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến chắc chắn sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng tốt, bảo trì thường xuyên và có thể là sự hiện diện của nhân sự Nga, điều này dễ trở thành gánh nặng hậu cần và tài chính đối với Mátxcơva.
Việc triển khai hệ thống tên lửa Nga ở Triều Tiên có thể dẫn tới bốn hệ quả chính, gồm tăng cường hiện diện quân sự Mỹ, gia tăng bất ổn khu vực, hình thành các liên minh chiến lược và tác động toàn cầu. Nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tích hợp chặt chẽ hơn các hệ thống này với các đồng minh khu vực. Hợp tác quân sự Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật sẽ được củng cố, tạo thành liên minh vững chắc chống lại Nga và Triều Tiên. Việc triển khai như vậy có thể làm khu vực thêm bất ổn, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố hoặc tính toán sai lầm, dẫn đến xung đột mở, đặc biệt là trên bán đảo Triều Tiên. Cùng với đó, thắt chặt quan hệ đối tác giữa Nga và Triều Tiên với Trung Quốc, tạo thành đối trọng rõ rệt hơn với các liên minh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể thận trọng, vì nước này ưu tiên sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việc Nga triển khai tên lửa ở Triều Tiên sẽ làm sâu sắc thêm sự phân cực trong quan hệ quốc tế, gia tăng khoảng cách giữa các khối phương Tây và chống phương Tây, đồng thời làm suy giảm triển vọng đối thoại ngoại giao trong khu vực.