Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters |
Ngày 16/5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết chính phủ nước này đã chính thức quyết định nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó một ngày, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng xác nhận Helsinki sẽ sớm đăng ký gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, kế hoạch của Thụy Điển và Phần Lan có thể gặp cản trở do sự phản đối của Ankara. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh NATO khi nói rằng nước này sẽ không chấp thuận việc 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO.
“Hai quốc gia này có thái độ cởi mở đối với tổ chức khủng bố. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng họ?”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói.
Văn phòng Đối ngoại Thụy Điển hôm 16/5 cho biết đại diện cấp cao của Helsinki và Stockholm có kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán với Ankara.
“Họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ, họ đến để thuyết phục chúng tôi sao? Xin lỗi, nhưng họ không nên phí công”, ông Erdogan nói, đồng thời cho biết NATO sẽ trở thành “nơi tập trung đại diện của các tổ chức khủng bố” nếu 2 quốc gia này gia nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan bao che cho những người có liên quan đến các nhóm mà Ankara cho là khủng bố, bao gồm nhóm ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người mà Ankara cáo buộc đã dàn dựng một âm mưu đảo chính năm 2016.
Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT Haber hôm thứ Hai cho biết Thụy Điển và Phần Lan đã không chấp thuận việc trao trả 33 người theo yêu cầu của Ankara.
Ông Erdogan cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối nỗ lực gia nhập NATO của những quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này. Thụy Điển và Phần Lan đã áp đặt các lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau xung đột ở Syria vào năm 2019.
Trong khi đó, các quan chức NATO và Mỹ cho biết họ tin tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngăn cản tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Để trở thành thành viên NATO, Helsinki và Stockholm cần sự ủng hộ của toàn bộ 30 quốc gia thành viên.
Theo các nhà ngoại giao, ông Erdogan sẽ phải chịu áp lực nhượng bộ vì việc tiếp nhận Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp tăng cường sức mạnh đáng kể cho NATO ở Biển Baltic.