Biểu tình kéo dài ở Sri Lanka vì khủng hoảng kinh tế. (Ảnh: CNN) |
Ông Ranil Wickremesinghe được bổ nhiệm làm thủ tướng từ ngày 12/5. Trong bài phát biểu hôm qua, ông cho biết Sri Lanka đang cần 75 triệu USD ngoại hối để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.
“Ở thời điểm này, chúng ta chỉ còn đủ xăng dầu dự trữ cho 1 ngày. Một vài tháng tới sẽ cực kỳ khó khăn cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần chuẩn bị cho việc hy sinh và đối mặt với những thách thức trong giai đoạn này”, ông nói.
Hai chuyến tàu chở xăng và hai chuyến chở dầu diesel sử dụng tiền vay của Ấn Độ sẽ giải cứu sau vài ngày nữa, nhưng Sri Lanka cũng đang thiếu 14 loại thuốc cơ bản.
Quốc gia này đang có mức thâm hụt ngân sách lên đến 6,8 tỷ USD, tương đương 13% GDP.
Cuộc khủng hoảng kinh tế châm ngòi cho làn sóng biểu tình rộng khắp để phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và gia đình ông, dẫn đến việc anh trai ông là Thủ tướng Mahinda từ chức vào tuần trước, giữa cuộc đụng độ chết người giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và phe biểu tình.
Để đối phó với khủng hoảng, tân Thủ tướng Wickremesignhe cho biết quốc gia này sẽ in thêm tiền và chủ trương tư nhân hóa hãng hàng không chủ lực của Sri Lanka để duy trì nền kinh tế, dù ông thừa nhận rằng tình trạng lạm phát sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.
Trong bài phát biểu ngày 16/5, ông Wickremesignhe hứa sẽ “xây dựng một quốc gia không còn những hàng dài người xếp hàng mua nhiên liệu, một quốc gia dồi dào tài nguyên”.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã thay ông Wickremesinghe vào vị trí của anh trai ông để xoa dịu người biểu tình. Tuy nhiên, nhiều người cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình chừng nào ông Gotabaya Rajapaksa vẫn là tổng thống. Người biểu tình cho rằng ông Wickremesinghe chỉ là “bù nhìn” và chỉ trích cách ông chọn người vào các vị trí bộ trưởng trong nội các.
Ông Wickremesinghe nói rằng ông nhận vị trí này vì lợi ích của đất nước.
Tại Colombo, nhiều hàng dài người vẫn xếp hàng trước các cửa hàng để chờ mua nhiên liệu.
“Tôi đã xếp hàng hơn 6 giờ đồng hồ. Chúng tôi phải xếp hàng 6-7 giờ mỗi ngày để mua được xăng dầu”, tài xế Mohammad Ali nói với CNN.
Sau những tác động lớn của đại dịch COVID-19, giá dầu mỏ tăng mạnh và chính sách cắt giảm thuế dân túy mà chính quyền Rajapaksas thực hiện, đảo quốc nằm ở Ấn Độ Dương đang rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy kể từ khi độc lập vào năm 1948.