Bãi rác Nam Sơn hết chỗ chôn lấp năm 2020
Một ngày sau khi khu xử lý rác thải Nam Sơn được “thông xe” trở lại, các đơn vị thu gom rác trên địa bàn Thủ đô đã huy động toàn bộ lực lượng để xử lý rác thải tồn đọng suốt 3 ngày. Tuy nhiên, do lượng rác lớn nên một số tuyến phố vẫn trong tình trạng rác ngổn ngang.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên người dân xã Nam Sơn và Hồng Kỳ tập trung tại khu vực cạnh bãi rác để chặn xe chở rác. Tháng 10/2017, người dân cạnh Khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng đã chặn xe chở rác nhiều ngày liên tiếp bởi họ không thể chịu nổi cuộc sống cạnh bãi rác này. Tình trạng người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da… xảy ra thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nề.
Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ngay trong ngày 14/1 chính quyền địa phương đã thông báo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân quanh khu vực này. Vị này cũng khẳng định vừa qua việc di dời người dân theo chủ trương bị chậm nên thành phố đã có quyết định sẽ đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến sang quý II/2019 có thể trả được tiền cho người dân.
Thực tế, cuộc sống của người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn từ lâu đã đối mặt với nhiều khó khăn. Không chỉ trong phạm vi 500m, thậm chí phóng viên có mặt tại những khu vực cách trung tâm bãi rác hơn 1km vẫn có mùi hôi, xú uế. Ruồi nhặng nhiều vô kể. Người dân trong hoàn cảnh đi không được mà ở cũng không xong. Bởi không ai bán nổi nhà trong khu vực này để đi ở nơi khác, vì không ai mua nhà ở đây để sinh sống. Do đó, mọi việc đều phụ thuộc vào chính sách di dân, tái định cư của Hà Nội.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn thông tin: Lượng rác sinh hoạt đổ về nhà máy xử lý chất thải Nam Sơn đang gấp 5 lần (khoảng 4.500 tấn rác) so với công suất thiết kế (xấp xỉ 1.000 tấn/ngày, đêm). Khu xử lý rác ở Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) có thêm hệ thống xử lý nước rác nhưng vẫn dùng công nghệ chôn lấp, do đó việc ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh là khó tránh khỏi.
Ðẩy nhanh các dự án đốt rác công nghệ cao
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đúng như dự báo nếu tiếp tục chôn lấp rác, khu xử lý chất thải Nam Sơn sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Sở đang vận dụng việc đóng khối rác nhằm giảm thể tích chôn lấp nhưng đây là giải pháp tình thế và cũng chỉ có thể chôn lấp đến năm 2021.
Để giải bài toán thu gom, xử lý rác thải về lâu dài, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. Trong đó có 1 nhà máy tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; 2 nhà máy tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn và 1 nhà máy tại Khu xử lý chất thải rắn Đồng Me (huyện Chương Mỹ).
Theo ông Hùng, hiện tại đã có 3 dự án được thành phố ra quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó dự án ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được liên danh Thiên Ý đầu tư đang trình thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhà máy. Dự kiến xử lý 4.000 tấn rác/ngày, đêm. Sau khi được phê duyệt chủ đầu tư sẽ tiếp tục trình thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường… “Chủ đầu tư cam kết cuối quý I/2019 sẽ hoàn thành các thủ tục để triển khai nhà máy”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay.
Hai dự án xử lý rác phát điện với tổng công suất 1.500 tấn/ngày - đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang thực hiện các thủ tục đo đạc, xác định mốc giới, thiết kế kỹ thuật... để có thể thẩm định, phê duyệt và đủ điều kiện khởi công trong quý II/2019.
Một dự án khác tại Chương Mỹ là dự án xử lý rác thải phát điện tại Đồng Ké đang tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, đã chọn được 3 nhà thầu, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, do tất cả nhà máy xử lý đều là nguồn xã hội hóa nên để đốc thúc các nhà đầu tư, thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng họp giao ban hàng tháng đều có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ đề ra. “Hiện nay giá dịch vụ xử lý rác của Bộ Xây dựng đã khá gần với giá thị trường, thu hút được các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải”, lãnh đạo Sở Xây dựng nói.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của Hà Nội nhưng theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.