Người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn: Vì sao cứ lặp đi lặp lại?

Sau khi dỡ lều lán, đến trưa cùng ngày, một số người dân lại dựng lều lán cản trở xe rác
Sau khi dỡ lều lán, đến trưa cùng ngày, một số người dân lại dựng lều lán cản trở xe rác
TP - Đây không phải lần đầu tiên người dân chặn xe  vào khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Vậy, vì sao tình trạng này không được Hà Nội xử lý dứt điểm?

Bãi rác “thông xe” sau 4 ngày bị chặn

Đến 17h hôm qua, người dân đã dỡ lều lán, những chiếc xe chở rác đầu tiên đã vào được bên trong nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, người dân đã giải tán do nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật. Việc chi trả tiền bồi thường cho người dân sẽ được huyện thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, phấn đấu trong quý II/2019. Một đại diện huyện ủy Sóc Sơn cho biết thêm, riêng kiến nghị của đại diện nhân dân tại thôn 2, xã Hồng Kỳ đề nghị được hỗ trợ thiệt hại 10 ha đất trồng lúa không canh tác được do ô nhiễm nguồn nước, Huyện ủy Sóc Sơn đã giao cho UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, đề xuất phương án giải quyết...

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, việc một số người dân chặn xe chở rác vào khu xử lý chất thải Nam Sơn, khiến cho lượng rác tồn đọng rất nhiều. 4 quận nội thành vẫn có thể điều tiết được vì Cty có ký hợp đồng với Trạm xử lý Cầu Diễn và Xuân Sơn (Sơn Tây). Ở các quận ngoài trung tâm, để xảy ra tình trạng rác tồn đọng không thể chuyển đi vì chỉ ký hợp đồng vận chuyển với bãi rác Nam Sơn. 

Đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho người dân

Báo cáo tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy với lãnh đạo sở ngành, quận, huyện sáng 14/1, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đã sang ngày thứ 4, một số hộ dân, chủ yếu ở thôn Đông Hội, xã Nam Sơn; một phần nhỏ người dân xã Bắc Sơn, xã Hồng Kỳ đã ra chặn xe vào bãi rác. Dù cho rằng “bước sang ngày thứ 4, về cơ bản chúng ta đã tìm được tiếng nói chung với người dân”, nhưng ông Lê Văn Dục vẫn đề nghị Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục vận động nhân dân vì “đến giờ, 12 quận đã bức bí”. “Chúng ta cầm cự được 3, 4 ngày thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dục nói thêm.

Trước đó, tại buổi đối thoại ngày 13/1, người dân cho rằng thành phố giải quyết kiến nghị của họ rất chậm, khiến họ giảm lòng tin. Bên cạnh đó, người dân không đồng ý với vị trí khu tái định cư tại xã Hồng Kỳ. Người dân đề nghị bố trí diện tích tái định cư tối thiểu là 240 m2/hộ để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. 

Ngày 13/1, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản về việc giao nhiệm vụ cụ thể việc thực hiện công tác GPMB vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải 
Sóc Sơn. 

MỚI - NÓNG