> Iran dọa biến Israel thành tro bụi
Mỹ đã “đóng băng” mọi tài sản của Tehran tại các tổ chức tài chính Mỹ, cấm các công ty nước ngoài có giao dịch với Ngân hàng trung ương Iran hoạt động trên thị trường tài chính Mỹ.
Các biện pháp này, được sự hậu thuẫn của Liên minh châu Âu (EU) và các nước khu vực vùng Vịnh, đã khiến giá cả hàng hóa ở Iran nhảy lên vòn vọt và đồng rial của nước này mất giá ngay lập tức.
Trong khi sợi dây thòng lọng “made in USA” đang siết lại, như thường thấy, chính quyền Tehran tiếp tục các bài khẩu chiến và bác bỏ thực tế rằng lệnh trừng phạt đang đánh mạnh vào kinh tế Iran.
Quốc hội Iran đã sẵn sàng thông qua một dự luật nhằm dừng xuất khẩu dầu sang các nước thuộc EU nhằm trả đũa sự can dự của những nước này tới lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ đối với Iran. Bộ Ngoại giao Iran cũng tuyên bố lá bài cấm vận này“chẳng có gì mới, vì vẫn thường được chơi trong 30 năm qua”.
Nhưng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran không thể xóa nhòa những ảnh hưởng tiêu cực mà lệnh cấm vận đang gây ra đối với nền kinh tế nước này: giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt tăng vọt; hàng hóa nhập khẩu, ví dụ thiết bị điện, hiện tăng giá hơn gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.
Đồng rial mất giá, dự trữ ngoại hối hạn chế (do bị phong tỏa), chính quyền Tehran đã phải dùng tới phương cách dùng dầu hoặc vàng giao dịch với các nhà buôn quốc tế để đảm bảo có đủ lương thực. Chưa hết, Tehran còn phải tìm kiếm những bạn hàng thay thế EU, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước ngưng nhập khẩu dầu từ Iran vì lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, chính quyền Tehran ít ra vẫn có thể mạnh miệng vì họ hiểu rằng, dù lãnh đạo Israel có những phát biểu đầy tính chất diều hâu, dù đã xuất hiện những kêu gọi từ chính giới Mỹ, đòi hỏi phải có biện pháp cứng rắn hơn với Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama chẳng dại gì động binh khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới chỉ còn 9 tháng nữa và nước Mỹ mới thoát ra khỏi hai vũng lầy mang tên Iraq và Afghanistan.
Phương Tây và Israel chắc chắn không bao giờ từ bỏ ý định ngăn chặn “chương trình hạt nhân” của Iran và căng thẳng sẽ tiếp diễn chừng nào Iran còn chưa nhượng bộ.
Nhưng tại thời điểm này, thế bế tắc sẽ tiếp diễn chừng nào Iran còn dầu để đổi lấy lương thực và người dân Iran vẫn chịu đựng được những khó khăn do các biện pháp tấn công kinh tế của phương Tây gây ra.