>> Toàn bộ lao động ở Libya sẽ về Việt Nam vào 9 - 3
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng thăm hỏi những người lao động Việt Nam cuối cùng trong trại tị nạn . |
Ông đánh giá thế nào về chuyến công tác này?
Đến giờ này (10g sáng tương đương 16 giờ ngày 7-3 ở Việt Nam), chiến dịch đưa lao động Việt Nam về nước đã thành công, vượt thời gian dự kiến ban đầu. Hiện đã có 1.584 lao động Việt Nam về nước qua ngả Tunisia. Số còn lại ở Tunisia khoảng 841 lao động cũng sẽ được về nước trong 3 chuyến bay tới. Tôi nghĩ là rất may.
Ngay từ đầu, chúng ta đã xác định Tunisia là điểm nóng nhất trong các nơi mà lao động Việt Nam từ Libya chạy nạn về vì Tripoli (Libya) gần biên giới với Tunisia. Hơn nữa, cách biên giới không xa lại có sân bay Djerba. Đoàn công tác cũng đã sang kịp thời, có sự tổ chức, phối hợp tốt, hiệu quả cùng với đại diện cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế trong việc đưa lao động của ta về.
Giả sử vẫn còn lao động bị kẹt sâu trong lãnh thổ Libya thì sao, thưa Thứ trưởng?
Cơ bản mà nói, không còn lao động Việt Nam kẹt lại tại Libya. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã lường trước các tình huống này. Do đó, chúng tôi quyết định cử Tham tán sứ quán Việt Nam tại Libya Lê Hữu Hùng và Bí thư thứ ba Hoàng Thị Hồng Thắm tiếp tục ở lại Tunisia để phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ lao động Việt Nam còn sót lại về nước.
Ngoài ra, nếu còn lao động nào chưa thoát khỏi lãnh thổ Libya, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cử người tiếp tục ở biên giới đón lao động Việt Nam. Trường hợp vì lý do nào đó chưa thể ra khỏi Libya, anh em Đại sứ quán sẽ đón họ về tòa đại sứ chờ dịp an toàn sẽ đưa về nước.
Người lao động của nhiều nước vẫn chưa thể rời biên giới về nhà . |
Các tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương giúp đỡ lao động Việt Nam như thế nào?
Chúng ta đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của IOM , UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn), Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế... IOM giúp ta xe ô tô trung chuyển từ biên giới về sân bay Djerba. Không những thế, họ còn hỗ trợ Việt Nam 2 chuyến bay chở lao động về nước. UNHCR cung cấp lều bạt, lương thực, đồ uống cho công nhân.
Chính quyền Tunisia thực sự đối xử tốt với lao động Việt Nam như tổ chức các đội tình nguyện phát thực phẩm, đồ uống, đảm bảo an ninh, cho cư trú tại sân bay… Xong đợt công tác này, chúng tôi sẽ gửi lời cám ơn tới các bạn Tunisia, các tổ chức quốc tế đồng thời cũng nhờ họ tiếp tục giúp đỡ trong những ngày còn lại.
Người dân Tunisia rất có cảm tình với lao động Việt Nam. Họ luôn nói với tôi, lao động Việt Nam có kỷ luật rất tốt, sinh hoạt trật tự, không tranh giành mà đùm bọc, chia sẻ trong hoạn nạn.
Theo ông, cần rút kinh nghiệm gì qua đợt công tác này?
Sau khi về nước, chúng ta sẽ đánh giá đầy đủ hơn. Mỗi khi có sự việc tương tự, cần triển khai nhanh chóng, quyết đoán.
Xin cám ơn ông.
Đến 12 giờ 30 (tức gần 19 giờ Việt Nam ngày 7-3), trên trại tị nạn gần biên giới giữa Tunisia và Libya không còn lao động Việt Nam nào tá túc. Hàng trăm lao động cuối cùng của Việt Nam qua ngả Tunisia đã tập trung ở sân bay Djerba để chuẩn bị về nước. Ở các ngả khác như Ai Cập, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp,lao động Việt Nam cũng chuẩn bị hành trình hồi hương. |
Đình Thắng (từ Tunisia)
8.200 lao động đã về nước 10 giờ 30 phút sáng 7-3, thêm 300 lao động từ Libya đã về nước an toàn bằng chuyên cơ của Vietnam Airlines. Số lao động này do Cty Cổ phần Việt Thắng đưa đi. Cty này đã tổ chức 5 xe buýt đón lao động về trụ sở cấp tiền hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi người, để lao động về quê sum họp với gia đình. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến hết ngày 7-3, đã có 8.200 lao động về nước. Dự kiến hôm nay (8-3), sẽ có thêm 1.000 lao động về nước bằng 2 chuyên cơ và 5 chuyến bay thương mại. |