Vài khoảnh khắc Thủ tướng với doanh nhân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm gian hàng của doanh nhân Việt Nam tại triển lãm ASean - Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hải.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm gian hàng của doanh nhân Việt Nam tại triển lãm ASean - Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hải.
TP - Nhà họp quốc gia những New York, Tokyo, Amsterdam, Havana, Paris, Bangkok, Phnompenh…,  các nơi sang trọng thường tổ chức những diễn đàn Doanh nhân hai nước Việt Nam và nước sở tại trong các chuyến thăm hữu nghị chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thường là vài chục doanh nhân Việt, tư nhân hoặc dân doanh nam chĩnh chiện âu phục, nữ áo dài truyền thống khi ngồi  khu riêng hoặc chung với các doanh nhân xứ người. Bây giờ là năm thứ 15 của thế kỷ hai mốt rồi, đội hình doanh nhân Việt nghiêm ngắn bên cạnh các doanh nhân xứ người ngó họ vẻ đồng đẳng chí ít về khoản hình thức. Nhưng tôi biết những doanh gia xứ người ấy chính là hậu duệ là sự tiếp nối nhiều trăm năm của một truyền thống thương gia buôn bán làm ăn đã nổi danh hoặc là quốc gia hoặc châu lục và cả quốc tế. Chợt bâng khuâng cái ý nghĩ thời điểm đó, xứ An Nam còn bặt vắng hình ảnh những doanh nhân. Thử lật giở “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” thấy trong số 160 truyện chỉ có hai truyện nói đến nhân vật lái buôn. Ấy là truyện Con mụ Lường và Ðồng tiền Vạn Lịch đọc mà kinh bởi lột hết ra cái xấu xa của người và nghề buôn. Chả bù đọc “Nghìn lẻ một đêm” thấy gặp ở xứ Á Rập nhan nhản nhân vật lái buôn mà coi bộ thương gia nào cũng toát lên cái đức trung thực, dũng cảm, lịch lãm, khôn ngoan.

Nhớ thêm tập đại thành Truyện nôm khuyết danh thế kỷ XVII của xứ Việt mình. Thôi thì xôm tụ các chủ đề những là chính trị, phong tục, phụ nữ, chung thủy anh hùng, Phật giáo, tâm lý, hài, dị thường, lịch sử… Trong truyện tuyền các nhân vật nho sĩ, quan lại, cung nữ, chinh phụ, nhà nông và tiều phu, tuyệt nhiên không có mặt nhà buôn nào. Chao ôi, từ nảo nao cái ách cang thường Nho giáo đã dai dẳng cố kết hình thành nên tâm lý coi rẻ nghề buôn. Nếp buồn ấy khiến nước Việt chúng ta không xây dựng được một truyền thống tốt đẹp trong việc thương mãi, buôn bán. Chúng ta thiếu đứt một cơ sở đạo lý của nghề buôn, thậm chí còn coi nghề buôn đồng nhất với sự lừa lọc. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tự khi nào dân ta đã dị ứng với bản chất với tâm lý tiểu thương rằng chỉ luôn nghĩ đến việc kiếm lời bằng mánh khoé thủ đoạn, không có một tầm nhìn xa trong kinh doanh cứ như một cái tính xấu chung của người Việt?

Vâng, muộn, rất muộn. Nhưng bây giờ nước Việt mình tự hào có một đội ngũ thương nhân. Mà những người đương ngồi đây đại diện phần nào? Lần ấy một đồng nghiệp trong nhóm báo chí tháp tùng đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng câu hỏi thế này: Thưa Thủ tướng, hàng chục doanh nhân, doanh nghiệp thường tháp tùng Thủ tướng trong các chuyến thăm hữu nghị chính thức các nước… Thủ tướng có nhận xét gì về chất lượng hoạt động của doanh nhân (DN) Việt trong các chuyến đi ấy? Và cảm nghĩ của Thủ tướng khi tiếp cận với DN nước ngoài trong các Diễn đàn doanh nghiệp hai nước? Tôi thấy Thủ tướng mỉm cười chỉ sang ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghệ Việt Nam (TM&CNVN), người có trách nhiệm coi sóc đội hình doanh nhân trong các chuyến tháp tùng. Ông Lộc thẳng thắn cởi mở luôn rằng, các DN tham gia các đoàn tháp tùng lãnh đạo Ðảng và Nhà nước trong các chuyến thăm họ đều có những doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, uy tín, tạo được niềm tin với đối tác, hoặc là những doanh nghiệp có ý thức vươn xa, mạnh dạn đi khai phá thị trường. Hoạt động của các DN cũng khá đa dạng và phong phú: trao đổi thông tin về các sản phẩm, dịch vụ mới, cung cấp thông tin về môi trường kinh doanh, ký kết các hợp đồng thương mại lớn hoặc Biên bản ghi nhớ. Nhiều cam kết đã được triển khai, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Chính phủ phải giúp doanh nghiệp tiên lượng được những chính sách phát triển của Đất nước, phương hướng điều hành của Chính phủ để các doanh nhân có định hướng chiến lược kinh doanh lâu dài, có tầm nhìn chiến lược, và có đủ năng lực và sự hỗ trợ để kháng cự với cạnh tranh khốc liệt từ thị trường toàn cầu hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tuy nhiên, không thể không nhận thấy sự khác biệt khá lớn trong tính chuyên nghiệp và độ nhanh nhạy, đặc biệt khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến công nghệ, hiểu biết luật pháp quốc tế và khả năng quản trị. Tại các diễn đàn doanh nghiệp quốc tế, các DN Việt Nam có vẻ như chưa tự tin và chủ động bằng các DN nước ngoài có lẽ một phần do ngôn ngữ? Khả năng học hỏi của DN Việt Nam có hạn chế nhất định: Không chỉ học hỏi trong lĩnh vực kỹ nghệ kinh doanh mà còn cả về văn hóa nói chung nhất là văn hóa kinh doanh…

Vài khoảnh khắc Thủ tướng với doanh nhân ảnh 1

…Thủ tướng với những sải bước như thường lệ tại các diễn đàn DN hai nước, nơi ông đều có phát biểu. Rồi Thủ tướng đưa mắt nhìn suốt lượt hội trường… Dõi theo cái nhìn của ông, không phải một lần mà nhiều lần những cuộc gặp như thế này, tôi có cảm giác ông thấu hiểu và hơn thế thực trạng về doanh nhân Việt như những lời bộc bạch của ông Chủ tịch Phòng TM&CNVN. Ông chưa có được niềm tự hào của Tổng thống Pháp J.Sirak, như các đồng cấp như Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Cameron… trong các chuyến công du khắp thế giới đi đâu cũng mang theo hàng trăm doanh nhân. Tới đâu các nhà lãnh đạo ấy cũng hãnh diện giới thiệu đây là những người làm ăn giỏi nhất và đã làm nên những thương hiệu hàng hóa nổi tiếng cho quốc gia họ và thế giới!

Nhưng hơn ai hết, ông tường tận một cách sâu sắc khối DN trong và ngoài quốc doanh mà đại diện đang ngồi dưới kia là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế đã làm nên một Việt Nam đổi mới phát triển với thành tựu không dễ gì nhiều nước đạt được là liên tục 20 năm luôn đứng hàng thứ 2 thế giới về tăng trưởng kinh tế. Họ mong muốn khao khát làm giàu một cách chính đáng, có sẵn tinh thần sáng tạo vượt khó, khả năng chấp nhận rủi ro… Phẩm chất ấy là động lực để tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm mỗi năm. Họ cũng là người hiện thực các chính sách của chính phủ, hơn thế còn là những người giám sát, thúc đẩy các chính sách kinh tế ngày càng gần hơn với thông lệ tốt nhất của thế giới. Họ cũng là động lực thúc đẩy cải cách, đòi hỏi cải cách. Nếu không có họ, Chính phủ làm sao duy trì được một phong cách điều hành lâu nay là bình tĩnh, kịp thời và hiệu quả?

…Có cảm giác, người đứng đầu Chính phủ có cung cách tiếp thị quảng bá như là cú hích với việc làm ăn của giới DN theo cách riêng của mình. Không lặp lại những thông tin mà các doanh nghiệp đã tường như chế độ chính trị ổn định, thị trường lao động dồi dào, nhân công giá rẻ… mà thẳng thắn cởi mở với nhiều thông tin cần thiết, bổ ích. Như ông mới đây đã từng cởi mở trước các thành viên của Câu lạc bộ Doanh nhân ASEAN và một số tập đoàn kinh tế lớn của Malaysia ở Kuala Lumpur. Hiện Việt Nam đang hoàn thiện và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có tập trung tái cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch...

Ðây được xác định là một khâu đột phá và Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng cũng như vận dụng cơ chế thị trường để thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực.

Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dang rộng vòng tay ra với các DN: “Trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tín dụng và hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu DN Nhà nước. Việt Nam rất hoan nghênh các bạn tham gia vào tiến trình tái cơ cấu này”. (Viết đến đây cũng nhớ thêm một sự kiện tại Diễn đàn Ðầu tư toàn cầu tại Việt Nam, diễn ra sáng 30/9/2015 tại Hà Nội. Trước 700 nhà đầu tư đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp nối cái mạch cởi mở ấy: “Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư lâu dài. Việt Nam luôn coi thành công của các bạn là thành công của chính chúng tôi. Chúng tôi mong muốn đối thoại cởi mở để chúng ta cùng thành công”).

Có những cú hích khác nữa. Ấy là khi đến thăm và làm việc ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Sonatrach (Angieri) mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) liên doanh nhiều năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt thẳng vấn đề với ông Thủ tướng Angieri và tập thể lãnh đạo Tập đoàn rằng Sonatrach nên tạo điều kiện thuận lợi để PVN được triển khai tiếp việc khai thác ở ngay khu vực mỏ (Bir Sebarr) mà PVN đã phát hiện và khơi dòng dầu đầu tiên.

Ðể ý thấy Thủ tướng nước chủ nhà xứ Bắc Phi và Ban lãnh đạo Sonatrach đều cười tươi.

Cứ phân vân, cười là động thái mến khách? Còn đồng ý hay không là việc khác? Nhưng thật ngạc nhiên ngay sau đó, đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được chủ nhà chuẩn thuận.

Số là liên doanh sẽ chính thức khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên từ mỏ Bir Sebarr và mỏ MOM từ tháng 7 tới với sản lượng 2.900 tấn dầu/1 ngày (tương đương 20.000 thùng) và sản lượng sẽ tăng lên đỉnh 5.800 tấn/ngày (tương đương 40.000 thùng) vào các năm 2018, 2019, 2020 và 2021. Với thời gian khai thác trong 25 năm. Liên doanh sẽ có sản lượng dầu thương mại khoảng 30 triệu tấn (tương đương 200 triệu thùng).

Theo PVN, với tỷ lệ 40% trong liên doanh, Việt Nam sẽ thu về mỗi năm 100 đến 150 triệu USD doanh thu bán dầu và sau 6 năm sẽ hoàn vốn đầu tư vào dự án này.

Vài khoảnh khắc Thủ tướng với doanh nhân ảnh 2

Tối 28/8/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế - xã hội với chủ đề "Đổi mới, hội nhập và phát triển", nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9.

Nếu không có chuyến thăm cùng việc hiện diện của Thủ tướng ngay tại đại bản doanh Sonatrach này, có lẽ mọi sự đã khác?

Chuyến thăm Myanmar có ghé chứng kiến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khai trương Trung tâm thương mại, một dự án (DA) đầu tư ra nước ngoài rất thành công. Hôm về trên chuyên cơ trao đổi với mấy anh em báo chí, Thủ tướng không nhắc nhiều đến tài kinh doanh của Bầu Ðức mà đề cập phân tích đặc điểm của các dạng doanh nhân Việt trong đó có dạng doanh nhân đang thực thi các DA đầu tư ra nước ngoài với những đặc thù này khác…

Rồi Thủ tướng bộc bạch rằng, các DN Việt Nam phải có tầm nhìn xa hơn người thường. Chính phủ thấy phải có trách nhiệm để thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn để hội nhập. Bởi sự thành công trong cải thiện năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, DN Việt Nam tới đây sẽ là tiêu chuẩn thực tế nhất đánh giá tính đúng đắn của những đột phá thể chế  được lựa chọn.

Các DN cũng đang rất cần sự thấu hiểu sẻ chia và cao hơn là sự bảo hiểm của người đứng đầu Chính phủ mà họ luôn trao gửi sự tin cậy rằng, vị thủ lĩnh của họ luôn là người mạnh bạo, dũng cảm đột phá tháo gỡ khó khăn, kiên quyết bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp…

Nhớ lại diễn đàn hiếm hoi do Bộ Khoa học & Công nghệ vừa tổ chức, Thủ tướng đã dành trọn nửa ngày để tiếp xúc, chuyện trò với các nhà khoa học trẻ. Nhất là động thái Thủ tướng chăm chú nghe và quyết định đầu tư cho DA chế tạo thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị của TS trẻ Nguyễn Bá Hải. Hàng trăm cặp mắt đã chăm chú hướng về Thủ tướng với cái nhìn lúc đầu là tò mò, bất ngờ! Và sau đó là tin cậy như trao gửi niềm tin vào vị thủ lĩnh luôn đồng cảm thấu hiểu, sẻ chia với họ…

Một doanh nhân ngồi gần tôi cũng rủ rỉ đại ý, ước gì sân chơi cho doanh nghiệp luôn sôi động bất ngờ như không khí hội trường buổi hôm nay.

Hôm công tác bên Lào mới đây, tôi có trao đổi lại với Thủ tướng tâm sự đó thì ông trầm ngâm, đại ý, nếu chỉ đóng vai trò là người bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, mạnh bạo đột phá tháo gỡ khó khăn thôi có lẽ vẫn chưa đủ.  Ðể thay đổi tư duy hệ thống quản lý nhà nước: từ "quản chặt doanh nghiệp" sang "hỗ trợ doanh nghiệp" phải có nhiều cách làm sáng tạo.

Cũng trong chuyến đi công tác lần ấy, thoáng bắt gặp thời khắc Thủ tướng không hài lòng. Khi làm việc với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, ông đánh giá cao thành tích rất đáng ghi nhận khuyến khích của Hiệp hội. Ðến nay, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã lên tới con số 5,22 tỷ USD với 261 DA. Việt Nam đang đứng thứ 2 các nước có vốn đầu tư vào Lào với nhiều dự án hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp nhiều mặt cho KTXH  của nước sở tại.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại nước sở tại thông qua tài trợ hàng chục triệu USD xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư cho người dân các vùng dự án.

Biểu dương xong, Thủ tướng bất ngờ nghiêm giọng rằng một số anh chị, một số ít thôi nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”. Có những tên tuổi ở Lào này người ta biết, nổi danh việc chạy dự án, bán DA làm xấu hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam. Chỗ nào cũng có mặt, rồi hết chỗ này tới chỗ khác là tìm cách bán, chỉ một ít thôi, nhưng tạo hình ảnh rất xấu cho doanh nghiệp Việt Nam. Tôi đề nghị không ai làm thay được Hiệp hội, không ai làm thay được các anh, chị. Các doanh nhân ngồi đây hãy mạnh dạn lên tiếng phản đối, thậm chí lên án các hành vi đó, hành vi phá hoại hình ảnh của doanh nghiệp mình và đất nước mình.

Kết thúc bài viết cũng nhắc lại lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng TM&CNVN mới đây có cho biết rằng bên cạnh những Chỉ thị, Nghị quyết để điều hành, Thủ tướng muốn có một thông lệ mỗi năm, đầu xuân, hoặc nhân “ Ngày doanh nhân Việt Nam”- 13/10 gửi một “ Thông điệp tới các Doanh nghiệp” để khẳng định tầm nhìn, định hướng lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và xây dựng Ðội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Nhớ hôm nói chuyện với doanh nhân Việt ở Bồ Ðào Nha, Thủ tướng cũng chùng giọng xuống khi phải nhắc, đại ý: Khi FTA (Hiệp định thương mại) được thực thi, những dạng bảo hộ nhà nước không còn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng có bản lĩnh để trụ vững. Các cụ mình nói buôn có bạn bán có phường. Bạn hay phường đều phải giữ chữ tín khi làm ăn bất cứ đâu nhất là xứ người. DN Việt, bên cạnh những đức tính phẩm chất tốt luôn nổi trội nhưng nếu cứ mang cung cách làm ăn manh mún, tiểu nông, chụp giựt, bội tín không thực thà coi thị trường xứ người là dễ tính, là ngố, làm ăn kiểu bán phá giá rồi một cá năm đá là cái cách tự loại mình khỏi cuộc chơi. Nếu ai đó trong DN Việt có những thói xấu ấy thì tự giác nên bỏ, bởi quy trình hội nhập làm ăn lớn theo thông lệ quốc tế sẽ phát lộ ngay những tính cách xấu ấy và DN do không phản ứng kịp với những biến động khắc nghiệt của thị trường sẽ gánh ngay thua thiệt, thất bại.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.