Bí quyết thành công của những doanh nhân công nghệ gốc Việt

Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang (thứ 2 từ trái qua), Doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ (thứ 3 từ trái qua) tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Ngũ Hiệp
Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang (thứ 2 từ trái qua), Doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ (thứ 3 từ trái qua) tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Ngũ Hiệp
TP - Lê Diệp Kiều Trang (SN 1980), Giám đốc chiến lược của công ty Misfit, có trụ sở tại Silicon Valley Hoa Kỳ, chuyên sản xuất các thiết bị đeo tay thông minh bán ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. TS Lê Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ cao Mỹ Lan, từ một cậu bé bán cà rem ở Trà Vinh trở thành doanh nhân ở Canada rồi về phát triển quê hương. 

Lê Diệp Kiều Trang và  Lê Thanh Mỹ là những doanh nhân Việt thuộc lĩnh vực công nghệ cao thành công trên thế giới. Hai doanh nhân này có những chia sẻ về con đường lập nghiệp của mình tại Tọa đàm “những doanh nhân đổi mới sáng tạo bước ra từ trang báo Tia Sáng”, sự kiện trong khuôn khổ Chợ thiết bị và công nghệ 2015 vừa diễn ra.

Quan trọng nhất là phải kiên trì đến cùng

Tại Triển lãm công nghệ uy tín CES (Consumer Electronic Show) do Hiệp hội Điện tử tiêu dùng tại Las Vegas (Hoa Kỳ) tổ chức 2013, Misfit Shine - sản phẩm chủ lực của công ty Misfit lọt vào top 10 sản phẩm công nghệ độc đáo bên cạnh sản phẩm của nhiều ông lớn như Samsung, Intel, ZTE, HTC, LG. Ít ai biết Misfit Shine được nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam và công ty Misfit được thành lập cũng bởi một người Việt. Ông Vũ Xuân Sơn (chồng của Lê Diệp Kiều Trang) và ông John Sculley (cựu CEO Apple và Pessi) là đồng sáng lập.  Lê Diệp Kiều Trang hiện là Giám đốc chiến lược của Misfit.

Chia sẻ về sự phát triển của Misfit, bà Trang cho biết, Misfit đã gây dựng được 60 triệu USD vốn. Misfit Shine có mặt ở hơn 60 quốc gia trên thế giới bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Trung Đông. Mới đây công ty mở thêm văn phòng đại diện tại Thâm Quyến và Bắc Kinh (Trung Quốc) để mở rộng thị trường ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Điều đáng kể về Misfit Shine là được sáng tạo bởi trí tuệ Việt. Văn phòng của công ty tại TPHCM quy tụ hơn 200 kỹ sư là những người phát triển phần mềm và nghiên cứu dữ liệu trong khi bộ phận tại trụ sở ở San Francisco là nơi chế tạo phần cứng và thiết kế sản phẩm. Sản phẩm gia công tại Hàn Quốc.

“Nếu phải trả lời câu hỏi Việt Nam mình có nhiều người quyết chí chưa? Mình nói thật không nhiều đâu. Đó là lý do tại sao mình không thành công, đừng nói là chính sách này hay chính sách kia”.

Giám đốc Misfit - 

Lê Diệp Kiều Trang

Misfit Shine là thiết bị đeo tay thông minh dùng đo độ vận động trong ngày như tiêu thụ bao nhiêu ca-lo, ngủ được mấy tiếng, lúc nào ngủ sâu, lúc nào không sâu. Đây không phải là thiết bị đeo tay thông minh đầu tiên trên thế giới nhưng lại nhanh chóng chiếm được thị phần ở nhiều quốc gia. Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ, bí quyết thành công của Misfit Shine là nhờ sự khác biệt về kiểu dáng. “Sản phẩm giành được nhiều giải thiết kế trên thế giới. Nhiều sản phẩm được thiết kế như một sản phẩm thời trang, giống một chiếc đồng hồ đeo tay hoặc một chiếc vòng xinh xắn. Nhờ vậy mà người dùng thích đeo và có thích thì mới đeo lâu dài, sản phẩm phát huy được tác dụng”.

  

Làm sao một công ty chỉ có nguồn vốn tri thức lại có thể phát triển một sản phẩm bán trên toàn cầu? Trang chia sẻ: “Mình làm thương mại hóa khá vững bằng việc kết nối với các thương hiệu lớn, ví dụ  như Cocacola, Victoria Secret. Mình làm sản phẩm độc quyền màu đỏ Red Shine cho Cocacola, sản phẩm được Cocacola quảng bá ở Worldcup tại Brazil hay Thế vận hội mùa đông năm ngoái. Mình cũng làm Shine màu hồng cho Victoria Secret, chỉ trong vòng 10 tiếng bán được 10 ngàn sản phẩm”. Hiện Misfit Shine được bán ở hơn 20.000 cửa hàng bán lẻ tại 60 nước, bao gồm hệ thống bán lẻ của Apple Store, Best Buy, Amazon, Walmart.

Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ thêm, để trở thành một công ty công nghệ thì các bạn trẻ Việt Nam phải từ một nhà khoa học thành một nhà công nghệ, tức là nghĩ tới một sản phẩm công nghệ chứ không chỉ giải một bài toán khoa học. Và muốn phát triển một công ty công nghệ thì phải tập hợp những người cùng chí hướng, thành lập một đội. 

“Trở ngại ở Việt Nam là những người làm khoa học hay làm một mình. Trong thế giới công nghệ mỗi người làm một việc thôi, đừng ham một mình mình làm được sản phẩm. Vì vậy, muốn đưa sản phẩm ra thị trường hãy thành lập một nhóm làm việc và phải lựa chọn những người thực sự giỏi”, Trang chia sẻ.

Có khán giả hỏi “kinh nghiệm để gây dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp như Misfit là gì?”, Trang cười “có lẽ phải cần một hội thảo nữa mới nói hết”. Tuy nhiên, nữ doanh nhân cho rằng sự quyết chí, kiên trì đến cùng là điều kiện tiên quyết. “Nếu phải trả lời câu hỏi Việt Nam mình có nhiều người quyết chí chưa? Mình nói thật không nhiều đâu. Đó là lý do tại sao mình không thành công, đừng nói là chính sách này hay chính sách kia”, nữ doanh nhân tâm sự.

Khuyến khích giới trẻ nghĩ khác, làm khác

Tại tọa đàm có người hỏi TS Nguyễn Thanh Mỹ “Tại sao từ một TS trong ngành quang điện tử với mức lương cao ngất tại Tập đoàn IBM, sáng lập viên của hãng America Dye Source, ông lại bỏ tất cả để về Việt Nam?”. TS Mỹ kể lại câu chuyện khi ông rời quê hương sang Canada làm bồi bàn 12 năm. Vợ ông hỏi ông ước mơ gì. “Tôi nói ước mơ một ngày nào đó trở về Trà Vinh để lập công ty, xây trường học, bệnh viện. Bà xã tôi bảo anh có biết anh đang làm bồi bàn không?”.

Vấn đề ở Việt Nam chưa quen với sự phản biện. Ở trường học, học sinh ngại nói ngược với thầy. Vô làm nói khác sếp thì bị kẹt. Điều đó khiến người trẻ lười biếng suy nghĩ, sáng tạo.

TS Nguyễn Thanh Mỹ

Tập đoàn Mỹ Lan do TS Nguyễn Thanh Mỹ thành lập và phát triển ở Trà Vinh được coi như thung lũng Silicon Valley của Việt Nam, có đối tác là nhiều công ty ở Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Nhật Bản. Mỹ Lan có bốn công ty thành viên gồm Công ty Hóa chất Mỹ Lan, Công ty Sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan, Công ty Cổ phần Quang điện tử Mỹ Lan và Công ty America Dye Source ở Canada.

TS Mỹ tâm sự: “Năm 2000, tôi về Việt Nam lần hai, thấy cái gì trên đồng ruộng, trên đường cũng không phải do người Việt mình sáng tạo ra. Người Việt mình thông minh nhưng sao ở trong nước lại thiếu sáng tạo. Tôi về Trà Vinh, ngoài việc lập công ty, tạo công ăn việc làm còn muốn xây dựng ở quê hương văn hóa văn minh hơn, sáng tạo hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm với cộng đồng hơn”.

Tập đoàn Mỹ Lan có hơn 500 nhân viên, ở độ tuổi trung bình 27, trong đó có nhiều sinh viên ở trường Đại học Trà Vinh. Có người hỏi “Trà Vinh là tỉnh nghèo nhất xứ. Nhiều sinh viên không đậu trường Sài Gòn mới về Trà Vinh học. Tại sao chú lại lựa chọn sinh viên ở đây?”. TS Mỹ dí dỏm trả lời, Bác Hồ nói rồi, không có việc gì khó, chỉ sợ các cháu không làm thôi. Tất cả người Việt mình, nhất là người trẻ, cứ cho họ cơ hội họ sẽ cố gắng. Nhiều người Việt khi mới ra nước ngoài không có gì nhưng khi trở về có nhiều cái mang về.

Ông cũng tâm sự thêm, người trẻ luôn muốn thành công hơn, khá hơn và làm được việc hơn. Vấn đề ở Việt Nam chưa quen với sự phản biện. Ở trường học, học sinh ngại nói ngược với thầy. Vô làm nói khác sếp thì bị kẹt. Điều đó khiến người trẻ lười biếng suy nghĩ, sáng tạo. Thành công của Mỹ Lan là tạo cho các cháu môi trường được nói khác hơn, suy nghĩ khác hơn, đề nghị khác hơn và làm khác hơn.

TS Nguyễn Thanh Mỹ cho hay, ông đang hợp tác với trường Đại học Trà Vinh thành lập Khoa Hóa học ứng dụng, ông sẽ nhận tất cả các sinh viên ra trường về làm việc tại Mỹ Lan. “Tôi cũng trực tiếp đào tạo các em và nếu em nào làm giỏi thì cũng có quyền thừa kế Mỹ Lan”, vị doanh nhân giàu tình yêu quê hương tâm sự.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.