V-League và những cuộc hoán đổi quyền lực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bóng đá Việt Nam đang trải qua một cuộc đổi ngôi chóng mặt, ắt hẳn cách đây không lâu ít người có thể hình dung.

Trên sân Hàng Đẫy chiều 23/2, Thể Công Viettel bất ngờ nhận “trái đắng” trước Becamex Bình Dương. Phung phí nhiều cơ hội, đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng đã phải nhận bàn thua trên chấm phạt đền ở phút 72.

Đây là trận thứ 5 liên tiếp Thể Công Viettel không thắng, kết quả khiến họ dậm chân ở vị trí 12 trên bảng xếp hạng với chỉ 9 điểm sau 10 vòng đấu, hơn đội cuối bảng HAGL đúng 3 điểm và đội áp chót Khánh Hoà 2 điểm. Đây là khoảng cách không mấy an toàn và dù ít người tin Thể Công Viettel có thể rớt hạng, nhưng hành trình phía trước của thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng chắc chắn sẽ khó khăn.

Xếp ngay trên Viettel là một “ông lớn” khác, CLB Hà Nội, cũng mới giành được 10 điểm sau 9 trận đấu. Ở vòng đấu trước đó, họ để thua Thanh Hoá 0-2 trong chuyến làm khách ở xứ Thanh, thất bại hiếm hoi trong những lần đối đầu giữa đôi bên.

Chỉ trong 3 năm, CLB Hà Nội đã thay một loạt “lái trưởng”, cả nội lẫn ngoại. Nói phần nào cho thấy sự thiếu ổn định của đội bóng một thời từng thống trị V-League. Sự sa sút của CLB Hà Nội phần nào được báo trước khi những quân bài mang tính biểu tượng của họ lần lượt đầu quân cho đội bóng khác, trong đó riêng CAHN đã lấy cả Văn Hậu, Việt Anh và Quang Hải (từ Pau FC).

Một thập niên trước, CLB Hà Nội luôn là ứng viên lớn nhất trong cuộc đua vô địch mỗi mùa giải, và 5 năm trước, chỉ Viettel đủ sức làm đối trọng với họ. Thật khó tin chỉ trong thời gian ngắn, cả hai đang mất dần vị thế cũng như sức mạnh ở V-League.

“Chắc các bạn cũng biết một ông bầu có thể có nhiều đội bóng và họ hỗ trợ lẫn nhau. Tôi không rõ lắm đâu nhưng hiện chúng tôi sẽ tập trung tích luỹ điểm số. CLB Thanh Hoá cũng không có tiềm lực tài chính như nhiều đội khác”, đây là phát biểu của HLV Veliza Popov sau chiến thắng 3-2 của Thanh Hoá trước Hải Phòng. Thanh Hoá nhờ vậy rút ngắn cách biệt điểm số với đội đầu bảng Nam Định xuống 1 điểm.

Phát biểu của ông Popov không khỏi khiến nhiều người nghĩ đến câu chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng” gắn với bầu Hiển trước đây. Vấn đề từng gây nên nhiều ồn ào và tranh cãi, lắng lại thời gian qua và phần nào tiếp tục được nhắc đến nhưng gắn với một cái tên mới. Đó là bầu Đức sau cuộc bắt tay với LPbank, kèm theo tuyên bố về sự trở lại nhờ “2 ông lì”. Kết quả của nó vừa qua là sự xuất hiện của HLV Vũ Tiến Thành ở phố núi, thay cho HLV Kiatiusk Senamuang được chuyển tới CAHN.

V-League và những cuộc hoán đổi quyền lực ảnh 1

Công an Hà Nội thắng trận thứ hai liên tiếp dưới thời Kiatisuk

Với sự thay đổi này, CAHN đã có mảnh ghép cần thiết trên băng ghế huấn luyện, sau khi đã thâu tóm hàng loạt ngôi sao từ các đội bóng khác. Nó vừa giúp CAHN tăng cường được sức mạnh, đồng thời khiến đối thủ cũng suy yếu. Giới bóng đá nhìn CAHN như một trung tâm quyền lực mới, trong đó thấp thoáng có hình ảnh bầu Thuỵ trên khán đài, và ông Trần Tiến Đại dưới sân. HAGL mùa giải tới được hứa hẹn sẽ có nguồn tài chính để duy trì sự hiện diện cũng như cuộc đua ở V-League, và đó là thứ bầu Đức nhắc tới.

Sau mùa giải đầu tiên lập kỳ tích đăng quang ngôi vô địch ngay năm đầu tiên có mặt, CAHN đang tạm chùng xuống nhưng một cái tên khác lại nổi lên, là Nam Định. Đây cũng là đội bóng được đầu tư rất mạnh lực lượng, và gần như đã bỏ khỏi mình chiếc áo “con nhà nghèo”.

“Tang điền biến vi thương hải”, mọi sự cứ xoay vần và các trung tâm quyền lực của V-League cũng biến chuyển. Điểm đáng chú ý có lẽ là các thế lực cũ vốn mạnh về đào tạo trẻ, có bề dày như CLB Hà Nội, HAGL hay Viettel giờ đang lép vế trước những tay chơi mới. Bóng đá Việt Nam xoay chuyển theo hướng nào, vì vậy sẽ phải chờ những thay đổi khác trong tương lai.

MỚI - NÓNG