V-League nhọc nhằn mùa dịch

V-League 2020 đang thi đấu không khán giả
V-League 2020 đang thi đấu không khán giả
TP - Dịch Covid-19 tác động mạnh tới mọi lĩnh vực đời sống và bóng đá cũng không ngoại lệ. Giải VĐQG, LS V-League 2020 đang gồng mình chống dịch thậm chí có thể bị “đóng băng”.

Trên thế giới, hàng loạt giải đấu danh tiếng đã phải hoãn lại vì Covid-19. Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi Covid-19 là đại dịch toàn cầu, các giải quốc gia của Đức, Ý, Anh và Tây Ban Nha đều tuyên bố hoãn bất chấp đang vào giai đoạn gay cấn. UEFA dưới sức ép của đại dịch cũng phải hoãn Champions League và Europa League, đồng thời để mở khả năng lùi thời gian tổ chức EURO 2020 sang năm 2021. Một cú sốc trời giáng với bóng đá thế giới.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trên thực tế đã được kiểm soát rất tốt ngay từ đầu. Điều này khiến cho các ca dương tính với cúm Covid-19 tăng chậm và tới lúc này vẫn chưa vượt ngoài tầm. Mặc dù vậy, hàng loạt giải đấu thể thao trong tháng 2 và tháng 3 trong đó có các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia vẫn phải lùi thời gian khai mạc. Mới đây nhất, giải Hạng nhất quốc gia LS 2020 cũng đã phải lùi 2 vòng đầu tiên.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF, ông Trần Anh Tú cho biết, quyết định tiếp tục cho đá vòng 2 và 3 LS V-League 2020 dựa trên cơ sở thực tế ngăn chặn và kiểm soát dịch tốt của Việt Nam trước thời điểm xuất hiện ca dương tính của “bệnh nhân số 17”. Ông Trần Anh Tú cho biết: “Sau “số 17”, chúng ta đã ghi nhận thêm một loạt ca dương tính khác với Covid-19. Diễn biến dịch thay đổi từng ngày và mới đây chúng tôi đã phải cho hoãn giải Hạng nhất quốc gia. Sau lượt trận thứ 2 V-League, VPF sẽ làm việc với VFF, Tổng cục TDTT đồng thời tham khảo ý kiến các ban ngành liên quan để đưa ra quyết định mới”.

Theo ông Trần Anh Tú, phía trước BTC giải đã yêu cầu BTC các sân siết chặt công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Tất cả các sân đều phải thực hiện đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho những người làm nhiệm vụ, thực hiện khử trùng khán đài, ghế ngồi....

Trong lúc chờ BTC có thông báo mới, nhiều CLB đã chủ động “quân tử phòng thân”. HAGL là một trong số những đội bóng có phản ứng nhanh nhất. Đội bóng phố núi ngay từ đầu đã thực hiện một loạt biện pháp phòng chống dịch như phát khẩu trang tới các cầu thủ, phun khử trùng nơi ở, tập luyện, thậm chí tham gia các hoạt động kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng dịch...Trong đợt hành quân tới Hà Nội để chuẩn bị cho trận đấu với Viettel chiều nay, đội bóng phố núi cũng hạn chế tối đa tiếp xúc các CĐV. Theo GĐĐH CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh, đây là các biện pháp cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

CLB Hà Nội tương tự cũng triển khai các hoạt động phòng chống dịch rất tích cực dù thi đấu trên sân nhà và hay khi làm khách. Đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm chủ động thông báo lịch trình hoạt động tới những người liên quan, đưa ra khuyến cáo đề phòng dịch. Nhiều đội bóng khác như Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định...cũng triển khai hoạt động phòng dịch Covid-19, chủ động điều chỉnh lịch tập luyện, di chuyển.

Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều đội bóng thừa nhận, nếu dịch bệnh kéo dài, mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn. Đơn cử như việc di chuyển, đi lại mỗi khi thi đấu trên sân khách của các đội đều khá phức tạp. Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hoà mới đây đã kể lại, các thành viên của đội không khỏi lo lắng trên chuyến bay về Đà Nẵng sau trận đấu với Bình Dương. Lý do bởi chuyến bay có khá đông khách nước ngoài. Nỗi ám ánh về dịch Covid-19 trên các chuyến bay đã lan rộng ở Việt Nam sau trường hợp nhiều hành khách dương tính với Covid-19, trong đó có nhiều khách quốc tế. Một tuyển thủ quốc gia (xin được không nêu tên) cũng cho biết, việc phải thi đấu trên sân không có khán giả khiến cho sự hưng phấn của các cầu thủ cũng giảm.

Theo tìm hiểu, trong tuần tới nếu diễn biến dịch không trở nên tích cực hơn, không loại trừ V-League cũng nối chân các giải đấu khác phải dừng lại.

MỚI - NÓNG