V-League, đường đến với tiền đạo thứ 12

TP - Bóng đá Việt Nam trong một thời gian dài đã không đặt CÐV (được coi là tiền đạo thứ 12) và truyền thông vào đúng vị trí cũng như vai trò của nó trong quá trình phát triển. Ðây cũng là rào cản lớn trên con đường đi lên chuyên nghiệp của giải VÐQG V-League. Cho tới khi, cơn sốt do U23 Việt Nam tạo nên mở ra một hướng mới…

Thầy Park và những ngôi sao U23 Việt Nam

Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp, thành công lớn nhất của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 không chỉ là vị trí Á quân đoạt được trên đất Trung Quốc, trước những đối thủ sừng sỏ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iraq, Qatar. Món quà quý nhất U23 Việt Nam đem lại là những ngôi sao, từ HLV Park Hang Seo đến những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Duy Mạnh….

Bóng đá chỉ có thể trở nên hấp dẫn đối với CĐV khi tạo nên được những ngôi sao, cho dù là ngôi sao cấp “quốc nội”. Và thực tế, V-League 2018 đã hưởng lợi khi nhiều sân bóng chật cứng khán giả ở những trận cầu có các ngôi sao U23 Việt Nam thi đấu.

Sân Hàng Đẫy là một ví dụ điển hình khi cặp đấu giữa CLB Hà Nội-HAGL thu hút tới hơn 20.000 người, một con số kỷ lục đối với sân bóng vốn là “điểm đen” về khán giả ở V-League lâu nay. Hà Nội giờ đã có Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, hay Đức Huy, Đình Trọng…những cầu thủ vừa có trình độ nhất định về chuyên môn, lại được nhiều CĐV yêu mến. Đây là một bước đi dài của đội bóng thủ đô, so với cảnh bị ghẻ lạnh trước kia ngay tại sân nhà.

V-League, đường đến với tiền đạo thứ 12 ảnh 1

Trong mô hình phát triển của AFC, truyền thông và CĐV được ví như 2 tiền đạo trong sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Những người làm bóng đá Việt Nam nằm lòng kiến thức trên, nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn lại là con đường khá dài. Truyền thông bị lãng quên, ở cả cấp độ quốc gia (gắn với hoạt động của VFF) tới giải league và các CLB. CĐV cũng không được đặt trong trọng tâm phát triển. Từ lâu, bóng đá Việt Nam luôn bị nhìn với tâm thế của của một quốc gia trong “vùng trũng” Đông Nam Á, và V-League bị coi như “cỗ máy ngốn tiền” của các ông bầu.

Thực tế cho thấy một câu trả lời khác.

Nếu bóng đá tốn kém và vô ích đến vậy, điều gì khiến các ông bầu vẫn tiếp tục đổ tiền vào V-League, chấp nhận rủi ro gắn với kết quả các trận đấu diễn ra mỗi tuần? Người ta đã nói nhiều tới việc các ông bầu đổ tiền vào bóng đá để đổi lại những ưu đãi về chính sách, hoặc dự án (chủ yếu là bất động sản) từ bên ngoài. Nhưng giá trị của bóng đá và V-League không chỉ dừng lại ở đó.

Từ một doanh nghiệp nhỏ trên đất Gia Lai, HAGL trong 20 năm qua đã phát triển thành một tập đoàn lớn, được hàng triệu người biết tới và mến mộ. Quá trình phát triển của những Đồng Tâm Long An hay Hoà Phát, T&T… cũng gắn liền với con số tiền tỷ đầu tư vào bóng đá. V-League là một kênh hiệu quả và rẻ nhất để quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp tới công chúng, nếu so với khoản tiền vài chục tỷ đồng hoặc cả trăm tỷ đồng bỏ ra mỗi năm. V-League chỉ rẻ bởi tự những người làm bóng đá không ý thức được giá trị của chính mình, để giữ gìn và đưa nó phát triển thêm đúng với tiềm năng.

V-League, đường đến với tiền đạo thứ 12 ảnh 2
V-League, đường đến với tiền đạo thứ 12 ảnh 3 Những trận đấu mini 3x3, trò chơi sút bóng trước trận đấu, với những giải thưởng hấp dẫn, thu hút nhiều CÐV đến sân Hàng Ðẫy ở mùa giải này. Ảnh: Vĩnh Thiện.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Đó chắc chắn là một con đường rất dài mà để đi đến đích thành công, bóng đá Việt Nam cần nhiều sự chung tay, thay vì chia rẽ, ít người làm, thiếu động viên nhưng lại có thừa những lời chỉ trích.

Thành công của U23 Việt Nam đang kích thích những người làm bóng đá tiếp tục hướng đi tập trung vào truyền thông và CĐV và nếu cần những ví dụ điển hình thì phải nhắc tới HAGL và gần đây là CLB Hà Nội. Thật trùng hợp khi cả 2 đội bóng đều đang có những bản hợp đồng tài trợ mang tính thương mại thực sự. HAGL trước đây có Nutifood và hiện nay là VPMilk, còn Hà Nội được tài trợ bởi SCG, đều với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Trong bóng đá chuyên nghiệp, cổ động viên không chỉ đến xem những pha bóng của đội mình hâm mộ trong 90 phút thi đấu mà họ còn góp phần tích cực vào sự phát triển của đội bóng, là nền tảng giúp các nhà tài trợ biết được số tiền đầu tư của họ vào đội bóng là chính xác và đúng đối tượng.

Ở Thái Lan, các đội bóng chuyên nghiệp đã mang lại cho những đối tượng tham gia vào trận đấu không khí của một ngày hội từ trước, trong và sau khi trận đấu diễn ra bằng nhiều hoạt động đặc sắc. Từ sáng sớm, các đơn vị tài trợ của các đội bóng đã đến dựng các quầy hàng kết hợp với trò chơi tương tác giữa nhà tài trợ với khán giả. Khán giả Thái Lan thường đến sân bóng trước giờ thi đấu khoảng 1-2 tiếng để tham gia những hoạt động vui chơi giải trí này.

Do đó, khi bước lên khán đài để theo dõi trận đấu, đã có rất nhiều CĐV hớn hở cầm trên tay những phần quà lưu niệm có giá trị vật chất lẫn tinh thần từ các nhà tài trợ của đội bóng. Khu vực cửa hàng lưu niệm của CLB cũng là nơi thu hút các CĐV đến săn những áo thi đấu, khăn choàng hay các vật phẩm lưu niệm về đội bóng.

Đây là chia sẻ của Huỳnh Trí Thiện, một đồng nghiệp trong lĩnh vực thể thao của tôi ở miền nam về việc một đội bóng làm cách nào có thể thu hút CĐV tới sân. Thiện từng làm báo, được anh em ví như “chuyên gia” bóng đá Thái Lan nhờ kiến thức về bóng đá Thái và khả năng “bắn” tiếng Thái nhoay nhoáy. Khi SCG bắt tay với bóng đá Hà Nội thì Huỳnh Trí Thiện cũng trực tiếp triển khai các hoạt động cụ thể  làm thương hiệu cho đội bóng cũng như thu hút CĐV, dựa theo thực tiễn từ Thai-League.

Với sự hỗ trợ của Huỳnh Trí Thiện, CLB Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bóng đá cho người hâm mộ Hà Nội trong suốt mùa giải V.League tại sân vận động Hàng Đẫy, như trò chơi sút bóng Vua Phạt đền (King of Penalty), chụp ảnh cùng các mô hình Phòng thay đồ của CLB Bóng đá Hà Nội, hay cuộc thi ảnh dành cho những người hâm mộ trẻ từ 8 đến 15 tuổi để giành vé tham gia chương trình huấn luyện “Đá bóng và Sẻ chia cùng SCG”, hay trúng thưởng ăn tối cùng ngôi sao. Từ đây, số lượng CĐV, đặc biệt là “fan” trẻ của đội bóng thủ đô đã tăng lên đáng kể.

“Mặc dù “cơn sốt U23 Việt Nam” vẫn còn đang hừng hực khiến số lượng khán giả đến sân đang là con số mơ ước của nhiều sân bóng nhưng những hoạt động phục vụ cho thượng đế tại sân bóng có thể xem là một trong những biện pháp tăng giá trị gia tăng cho người hâm mộ khi đến cổ vũ bóng đá. Và đó là con đường các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới đã và đang thực hiện góp phần phát triển bóng đá bền vững. Các đội bóng ở V-League để phát triển cũng không thể không qua cách làm này”-Huỳnh Trí Thiện nói.

Rõ ràng, vấn đề không chỉ là nguồn lực mà quan trọng là hướng đi và cách làm. Các đội bóng ở V-League khi cao điểm có thể thưởng 400-500 triệu đồng cho 1 trận thắng, nhưng nhất quyết không chi ra một số tiền nhỏ hơn rất nhiều chỉ để sửa sang lại chiếc nhà vệ sinh ở sân vận động, hoặc dọn dẹp để khán đài đẹp, bắt mắt hơn. Trong khi với CĐV, đặc biệt những “fan” trẻ, bóng đá không đơn thuần chỉ là trận đấu của 22 cầu thủ trên sân.

Trong bóng đá chuyên nghiệp, cổ động viên không chỉ đến xem những pha bóng của đội mình hâm mộ trong 90 phút thi đấu mà họ còn góp phần tích cực vào sự phát triển của đội bóng, là nền tảng giúp các nhà tài trợ biết được số tiền đầu tư của họ vào đội bóng là chính xác và đúng đối tượng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.