V.League 2011: Đá vì tiền?!

V.League 2011: Đá vì tiền?!
Có lẽ chẳng đâu như ở bóng đá của ta, giải đấu càng về cuối thì số tiền đổ vào cho các đội bóng lại tăng vọt, đặc biệt là những đội nhóm chót bảng.

Có lẽ chẳng đâu như ở bóng đá của ta, giải đấu càng về cuối thì số tiền đổ vào cho các đội bóng lại tăng vọt, đặc biệt là những đội nhóm chót bảng, như một hình thức “bơm doping” kích thích tinh thần thi đấu của các cầu thủ.

1. Sau trận thắng HP.HN ở vòng 23, các cầu thủ V.HP đã được lãnh đạo móc hầu bao thưởng ngay 1,5 tỷ đồng, khiến tinh thần các cầu thủ đất Cảng cứ gọi là lên rần rần. Việc lãnh đạo V.HP thưởng tiền tỷ cho một trận thắng chẳng lạ lùng gì với bóng đá Việt Nam, bởi từ những mùa giải trước, nhiều đội bóng đã từng tung ra mức thưởng xấp xỉ như thế. Tuy nhiên, việc cả một mùa giải với 26 trận đấu nếu vô địch chỉ nhận được 3 tỷ đồng tiền thưởng từ BTC, và số tiền ấy đã được tăng lên ở mùa giải năm nay bởi ở những mùa trước chỉ khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, nên việc 1 trận thắng được nhận số tiền gần ngang bằng với chức vô địch có lẽ chỉ Việt Nam mới có.

Từ những mức thưởng khá vô lối như thế nên chẳng ngạc nhiên khi một đội bóng từng là á quân mùa 2010 như V.HP bỗng tuột dốc không phanh ở mùa giải 2011, khi mỗi trận đấu chẳng còn được thưởng nhiều như trước. Đến nay, khi V.League đang vào giai đoạn nước rút và V.HP chuẩn bị chìm, để cứu lấy đội bóng trước nguy cơ rớt hạng ở 4 vòng đấu cuối, lãnh đạo đất Cảng đã “bơm” gần chục tỷ đồng tiền thưởng. Kết quả, đội V.HP đã có trận thắng đầu tiên trước HP.HN trong loạt 4 trận cầu sinh tử. Thế có nghĩa là, lãnh đạo Hải Phòng đã bắt đúng bệnh đội bóng, và việc họ sa sút đâu phải do lực lượng quá bèo như thường bảo, cái chính là do “nghèo” tiền thưởng đấy thôi?!

2. Từ câu chuyện trên, lại nhớ cách đây vài mùa giải, giới chuyên môn từng râm ran chuyện các cầu thủ của một đội bóng đã cố tình “buông” ở các vòng đấu chính để đội nhà phải rơi vào cảnh đi đá play-off kiếm suất trụ hạng. Ở trận đấu sinh tử ấy, để trụ hạng các ông bầu đã phải tung ra rất nhiều tiền thưởng. Kết quả đội bóng ấy trụ lại V.League dễ dàng khi các cầu thủ chịu đá. Sau trận đấu, tất cả thành viên của đội bóng nọ vui lắm vì đã thoát hiểm ngoạn mục, riêng các cầu thủ là vui nhất vì đã “trả đũa” được ông bầu keo kiệt kia. Tuy nhiên, nhiều người biết chuyện đã khó mà cười nổi trước “câu chuyện vui” ấy của giới cầu thủ. Và việc nhìn túi tiền ông bầu mà đá đã bắt đầu lan nhanh như một dịch bệnh trong giới bóng đá Việt Nam, khiến nhiều đội bóng dở khóc, dở cười. Thậm chí ngay cả ĐTQG cũng bị rơi vào vòng xoáy của tiền.

Cứ ngẫm mà xem, ở một số đợt tập trung cho các giải đấu không mang nhiều tính quan trọng và cũng không có “dấu hiệu” nhiều tiền thưởng, lập tức người ta sẽ thấy có nhiều lá đơn xin rút lui của một số tuyển thủ vì nhiều lý do rất… hoàn cảnh. Chẳng dám vơ đũa cả nắm, nhưng đó là một thực tế đã và đang diễn ra, khiến người hâm mộ phải chạnh lòng cho ý nghĩa “màu cờ sắc áo” mà tất cả những tuyển thủ lẽ ra phải hiểu rõ.

Nhiều người nói, tiền không phải là tất cả của cuộc sống, nhưng không có tiền thì cuộc sống đúng là… thảm họa. Và có lẽ các ông bầu bóng đá là người thấm thía điều này hơn ai hết. Cứ nhìn các ông bầu đang “nói không với tiền thưởng” như Đồng Tâm Long An, Hà Nội ACB hay Khatoco Khánh Hòa mà xem, đội bóng của họ đang nằm ở đâu trong bảng xếp hạng nhỉ?

Theo Báo Bóng Đá

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG