Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là phiên họp có nội dung lớn nhất từ đầu năm, với tổng cộng 20 nội dung, tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác.

Sáng 14/8, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian phiên họp kéo dài trong 7 ngày và chia làm 2 đợt.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là phiên họp có nội dung lớn nhất từ đầu năm, với tổng cộng 20 nội dung, tập trung vào công tác giám sát, lập pháp và một số vấn đề quan trọng khác.

Về chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về 5 nội dung, trong đó có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung thường niên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào tháng 3 và tháng 8, còn nội dung chất vấn ở Quốc hội tổ chức 2 lần tại kỳ họp đầu năm và cuối năm.

Trên cơ sở đề xuất của 53 đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, lựa chọn 2 nhóm nội dung quan trọng nhất chất vấn trong cả ngày 15/8, thuộc 2 lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Như Ý.

Trong lĩnh vực tư pháp sẽ tập trung vào các vấn đề thực hiện chương trình luật pháp lệnh toàn khoá; việc nâng cao chất lượng pháp luật, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả đấu giá cũng như giám định tư pháp…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, phiên chất vấn tập trung vào vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, giải pháp tháo gỡ thẻ vàng với thuỷ sản, giá gạo xuất khẩu gạo hiện nay. Một số nước trên thế giới cấm xuất khẩu, giá cả tăng lên, do vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để vừa ổn định được giá gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chuyên đề giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cùng với phiên chất vấn, nội dung này cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi. Trước đó, Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến một lần, lãnh đạo Quốc hội cũng đã cho ý kiến về chuyên đề này. "Đoàn giám sát đã tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo, đến nay tài liệu đã được chuẩn bị khá hoàn chỉnh", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi cho ý kiến tại phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện đề cương, sau khi cho ý kiến lần 2 vào tháng 9, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Cùng với đó, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến các nội dung chuyên đề giám sát: Về dự thảo kế hoạch giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Trong nội dung này có các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành; cao tốc Bắc - Nam; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TPHCM…

Nội dung giám sát khác cũng được cho ý kiến là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023…

Về xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 8 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách ảnh 2

Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra 7 ngày, với 20 nội dung quan trọng. Ảnh: Như Ý.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khối lượng công tác lập pháp tại phiên họp rất lớn, với nhiều dự án luật quan trọng, điển hình là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Do đó cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao, khơi thông các nguồn lực phát triển, thể chế các nghị quyết của trung ương, đảm bảo tính thống nhất, tránh những sơ hở có thể xảy ra dẫn tới vấn đề tiêu cực, hay lợi ích nhóm.

Cùng với đó là các dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…cũng được cho ý kiến. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên nghiên cứu cho ý kiến cụ thể, đánh giá thẳng thắn, toàn diện, cầu thị, đặc biệt vấn đề tác động về tổ chức biên chế, ngân sách.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ có văn bản đề nghị bổ sung một số nội dung mới. Lãnh đạo Quốc hội đề nghị có hồ sơ sớm để xem xét, vì chỉ còn phiên họp vào tháng 9 sẽ đến kỳ họp cuối năm, nếu không chuẩn bị sớm sẽ rất bị động, ảnh hưởng đến chất lượng nội dung.

Dự kiến, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, dự kiến diễn ra từ 28-30/8.

MỚI - NÓNG