UNCLOS vẫn là tiêu chuẩn vàng trong hợp tác an ninh biển

0:00 / 0:00
0:00
Nhóm tàu chiến Mỹ triển khai hoạt động an ninh và ổn định trên Biển Đông hồi tháng 10/2019. Ảnh: US Navy.
Nhóm tàu chiến Mỹ triển khai hoạt động an ninh và ổn định trên Biển Đông hồi tháng 10/2019. Ảnh: US Navy.
TPO - UNCLOS tạo lập một khuôn khổ toàn diện cho việc điều chính tất cả các không gian đại dương và đem lại quyền chủ quyền cho các quốc gia ven biển cùng nghĩa vụ tôn trọng các nguồn tài nguyên biển, đáy biển gần bờ biển của mình.

Trong khu vực biển có nhiều tranh chấp nhất, Biển Đông, nơi vùng biển có xu hướng được hiểu là sân khấu cho sự phô trương sức mạnh địa chính trị, các tác nhân chính nhanh chóng tham gia thể hiện vai trò của quản trị và trật tự trên biển.

Vai trò của Việt Nam

Mới đây, tại phiên thảo luận mở trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đại dương, mạng sống, đời sống người dân trên biển và an ninh của các cộng đồng ven biển. Với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi thiên tai; các cộng đồng ven biển phải hứng chịu bão, triều cường, lũ lụt, xói mòn bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn. Những mối đe dọa này đặc biệt rõ ràng ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo và dễ dẫn đến mất an ninh lương thực.

Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tối 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”.

Về hợp tác ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các cơ chế an ninh hàng hải của Việt Nam, song phương và đa phương, ở cả cấp độ ASEAN và toàn cầu. “An ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu; tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, cả khu vực, liên khu vực và ở phạm vi toàn cầu nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển”, ông phát biểu.

Ngoài ra, Việt Nam đã thể hiện vai trò mang tính xây dựng của mình trong việc giúp phát triển mạng lưới các thỏa thuận và sáng kiến về an ninh biển khu vực với Liên Hợp Quốc với tư cách là điều phối viên để tăng cường chia sẻ thông tin, đặc biệt liên quan việc ngăn chặn rác thải nhựa trên biển và đại dương.

Việt Nam đã đi trên con đường ngoại giao đáng ghi nhận trong việc kêu gọi hợp tác biển nhằm thúc đẩy đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nhà khoa học và chuyên gia chính sách. Ví dụ, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi mùa thu năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, đã đăng cai tổ chức một hội thảo trực tuyến về chia sẻ dữ liệu đại dương.

Chương trình an ninh biển của Việt Nam và các cuộc đối thoại chính sách cấp chuyên gia dường như đã thành công trong việc tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết vô số thách thức về địa chính trị và môi trường. “Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa thúc đẩy đối thoại, tạo dựng lòng tin để cùng cộng đồng quốc tế duy trì an ninh trên biển, phát huy những giá trị to lớn của biển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

UNCLOS vẫn là tiêu chuẩn vàng trong hợp tác an ninh biển ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam sẵn sàng đóng góp thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hợp tác với các nước để duy trì an ninh trên biển. Ảnh: VGP.

Ngược lại, Trung Quốc không có thái độ hợp tác và hòa bình, liên tục đưa ra các yêu sách chủ quyền phi pháp đối với phần lớn diện tích Biển Đông, có các hành động đơn phương trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Trung Quốc và Mỹ xung đột vì các yêu sách này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản ứng gay gắt trước các tuyên bố ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với các phần của Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa trọng tài quốc tế cách đây 5 năm bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của họ. Ông Blinken cảnh báo Trung Quốc rằng, “xung đột ở đó (Biển Đông) hoặc ở bất kỳ đại dương nào cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh và thương mại trên phạm vi toàn cầu”.

Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng, khu vực tranh chấp đã chứng kiến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu thuyền trên biển và các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy yêu sách phi pháp về chủ quyền biển đảo. Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Đới Binh, lớn tiếng: “Hội đồng Bảo an không phải là nơi thích hợp để thảo luận về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động này”. Ông này cũng cho rằng, “Mỹ không đủ tư cách để đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề Biển Đông”.

Nếu Mỹ phê chuẩn UNCLOS…

Từ khi UNCLOS được thông qua năm 1982, tổng cộng 168 nước, trong đó có Trung Quốc và Nga, đã ký kết văn kiện này. Mỹ vẫn chưa tham gia UNCLOS - văn kiện được coi là hiến pháp của biển và đại dương.

Việc phê chuẩn UNCLOS sẽ cho phép Mỹ giành lại vị trí xứng đáng của mình ở Thái Bình Dương và biến những lời hùng biện thành hành động. Tư cách thành viên UNCLOS trao cho Washington quyền lực và sự tín nhiệm để hỗ trợ và thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trong một trật tự dựa trên luật lệ. Rõ ràng rằng, vai trò của Mỹ trong an ninh biển phải được phối hợp với nỗ lực của Liên Hợp Quốc, các quốc gia tài trợ và các tổ chức phi chính phủ, vì nền kinh tế kết nối toàn cầu dựa vào các đại dương mà tất cả cùng chia sẻ. Washington có vai trò trực tiếp trong tự do hàng hải ở Biển Đông và sự ổn định của khu vực nói chung, bao gồm việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Để nhắc nhở tất cả các bên, chúng ta hãy ghi nhận công lao của Việt Nam vì đã nhắc nhở chúng ta rằng, biển và đại dương là nguồn tài nguyên to lớn của nhân loại, là mạch máu của thương mại quốc tế và là cửa ngõ để các quốc gia kết nối với nhau.

MỚI - NÓNG