Hãng Tass của Nga dẫn lời Trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Valery Chaly tại một hội nghị về thách thức đối với cấu trúc an ninh châu Âu diễn ra ngày 9/10, khẳng định: “Ukraine không có kế hoạch, cũng không có ý định, cũng như không có các cơ hội thực sự để có thể phát triển và duy trì sức mạnh hạt nhân trong thời gian dài”.
Tuyên bố Trợ lý Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa ra đi ngược lại quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Valery Geletei về việc Kiev duy trì sức mạnh hạt nhân trong bối cảnh tình hình địa-chính trị khu vực diễn biến ngày càng phức tạp.
Phát biểu tại cuộc trả lời báo giới hôm 14/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không thể bảo vệ (Ukraine), và nếu thế giới không giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ buộc phải tạo ra những loại vũ khí đủ sức bảo vệ chính mình”.
Trong khi các quan chức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ chối bình luận về những tác động tiêu cực có thể xảy ra nếu Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân, thì Phó chủ tịch ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Liên bang Nga, ông Frants Klintsevich cho rằng: “Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine là một sự khiêu khích, và cần được xem xét một cách nghiêm túc".
Ông Frants Klintsevich nhấn mạnh: “Không nên quên một thực tế rằng, với trình độ khoa học công nghệ của mình, Ukraine sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào để có thể tạo ra một quả bom hạt nhân”.
Phó chủ tịch ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Frants Klintsevich cũng đề cập tới việc, quốc gia láng giềng Ukraine có 17 đơn vị năng lượng điện hạt nhân không được thiết kế để làm giàu.
“Nếu họ (Ukraine) có ý định sử dụng một số đơn vị năng lượng hạt nhân cho mục đích phát triển bom hạt nhân, thì Kiev mất khoảng 10 năm để tiến hành chuyển hóa cùng những quy trình công nghệ phức tạp khác”, ông Frants Klintsevich nói.
Ukraine gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1994 sau khi cùng Nga, Mỹ và Anh đã ký Biên bản ghi nhớ Budapest, theo đó các nước trên sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, đổi lấy việc Ukraine giao nộp toàn bộ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cho Nga.
Đây cũng là hiệp ước đã được chính quyền lâm thời Ukraine và phương Tây viện dẫn để phản đối việc Nga sáp nhập lại Crimea vốn là một Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine.