Binh lính Ukraine khai hoả bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad về phía các vị trí của Nga gần Bakhmut ngày 13/6. (Ảnh: Getty) |
Kết quả khiêm tốn
Đến nay, nỗ lực tấn công mang lại một số kết quả khiêm tốn ở các vùng phía Nam như Zaporizhzhia, nơi hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga có vẻ khó bị phá vỡ. Khu vực này được coi là mục tiêu chính của Ukraine nhằm phá vỡ cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, Ukraine cũng nhắm đến những khu vực khác, tìm cách giảm bớt diện tích đất mà Nga kiểm soát xung quanh Bakhmut và khai thác những chỗ mà họ đánh giá là dễ bị tổn thương ở phía Đông.
Thay vì phô trương lực lượng áp đảo bằng cách tập hợp các lữ đoàn mới thành lập tấn công theo một hướng, Ukraine dường như đang cố gắng ép Nga phân tán theo những hướng khác nhau, nhằm tìm ra đâu là điểm yếu hoặc khai thác khoảng trống giữa các tiểu đoàn khác nhau.
Ngày 15/6, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, cho biết mục tiêu trước hết của lực lượng nước này là quét sạch càng nhiều đơn vị của đối phương càng tốt và “tăng áp lực tâm lý lên quân đội Nga”.
“Đồng thời, các đơn vị Ukraine đang kiểm tra xem khu vực nào là yếu nhất”, ông nói.
Nỗ lực này bao gồm các đợt tấn công mới xung quanh Bakhmut, nhằm buộc người Nga gửi thêm đơn vị để bảo vệ thành phố mà Kiev đã mất hơn 6 tháng để giành quyền kiểm soát. Ngày 16/6, chỉ huy Lực lượng trên bộ Ukraine, tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết người Nga “tiếp tục di chuyển một số đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất đến hướng Bakhmut”.
Có những dấu hiệu cho thấy người Ukraine đang ở thế dẫn đầu gần thành phố Donetsk và xa hơn về phía Nam, xung quanh nơi từng là mặt trận Vuhledar.
Người Ukraine có nhiều lựa chọn để tấn công, còn Nga phải cố gắng bảo vệ một tiền tuyến quanh co dài gần 1.000 km, với một số đơn vị đã bị tổn thất đáng kể.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận.
“Ukraine vẫn chưa triển khai phần lớn các lực lượng phản công của mình và lực lượng phòng thủ của Nga không mạnh đồng đều dọc theo tất cả các khu vực của tiền tuyến”, viện này viết trong đánh giá đưa ra tuần này.
Matthew Schmidt, phó giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học New Haven, đồng ý rằng vẫn còn nhiều câu hỏi ở giai đoạn này.
Ukraine sẽ hy vọng rằng bộ chỉ huy quân sự Nga dưới sự điều hành của Tham mưu trưởng Valery Gerasimov, người đang chỉ huy trực tiếp các lực lượng ở Ukraine, sẽ phạm phải một số sai lầm.
Cho đến nay, cách làm của Nga để bảo vệ phòng tuyến của họ ở phía Nam dường như đang hoạt động tương đối tốt, khiến Ukraine mất nhiều xe tăng rà phá bom mìn, còn các thiết giáp khác trở thành mồi ngon cho pháo binh và các cuộc tấn công từ trên không khi họ cố gắng xuyên qua. Video nguồn mở cho thấy việc sử dụng nhiều vũ khí chống tăng gây thiệt hại đáng kể cho các đơn vị tiền tuyến của Ukraine.
Điều đáng chú ý là các đơn vị của Nga ở vùng chiến sự ác liệt nhất– thuộc Quân đoàn vũ trang hỗn hợp số 58 – là một trong những đơn vị hiệu quả nhất trong quân đội Nga.
Matthew Schmidt, phó giáo sư tại Đại học New Haven, cho biết sau thời gian tham gia mờ nhạt, không quân Nga có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong những tuần tới. “Điều đó sẽ phụ thuộc vào việc họ có sử dụng hiệu quả bom lượn hay không. Máy bay của họ có thể hoạt động an toàn không? Nói cách khác, có thể lực lượng không quân của họ sẽ trở lại sau khi đã học được cách chống trả biện pháp phòng không của Ukraine”.
Một sĩ quan cấp cao của Ukraine nói với CNN, rằng các cuộc không kích và pháo binh của Nga đang khiến lực lượng của Ukraine khó tiến lên. Trong khi đó, Ukraine thiếu hỗ trợ trên không.
Chắc chắn Nga đã học được một số bài học đắt giá trong gần 18 tháng xung đột. Các blogger quân sự Nga khen ngợi việc sử dụng khả năng chiến tranh điện tử để làm gián đoạn liên lạc và tấn công của Ukraine, vì các loại đạn dẫn đường chính xác cần có tọa độ GPS.
Cảnh tan hoang ở Bakhmut ngày 1/6. (Ảnh: Getty) |
Có thể chưa phải trận cuối
Tình hình trong những tuần tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố xa tiền tuyến. Việc Ukraine nhắm vào các vị trí phía sau, như trung tâm chỉ huy, kho đạn dược và nhiên liệu, có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Nga, cũng như hệ thống ra quyết định và sự sống còn của các sĩ quan cấp trung và cấp cao của cả hai bên.
Nhà quan sát quân sự Mick Ryan cho rằng, nếu Ukraine có thể hạn chế khả năng cung cấp nhiên liệu và đạn dược cho các lực lượng chiến đấu của Nga, Kiev sẽ làm giảm khả năng phản ứng của Nga đối với các cuộc xâm nhập chiến thuật và hạn chế khả năng cơ động của quân đội.
Động lực của chiến dịch phản công sẽ thay đổi lộ trình của cuộc xung đột và cách nó kết thúc.
Một số chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại gợi ý rằng, vào thời điểm chiến dịch phản công kết thúc, Kiev có thể sẽ nồng nhiệt với ý tưởng về một giải pháp thương lượng, sau khi họ đã nỗ lực hết mình trên chiến trường và đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng về cả nhân lực của mình và sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Một số người khác cho rằng Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài việc giáng một đòn choáng váng vào đối phương, cuối cùng sẽ giành lại Crimea hoặc ít nhất là tàn phá nơi này.
Một số nhà quan sát cho rằng đây là một ảo tưởng nguy hiểm, nhưng một số người khác lập luận rằng chỉ như vậy mới có thể ngăn cản Nga triển khai một cuộc tấn công mới.
Một điều quan trọng là rất ít người cho rằng đây là trận đánh cuối cùng. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gần đây nói rằng nếu chiến dịch phản công có thể đẩy các lực lượng Nga khỏi đất Ukraine, thì “đó sẽ là cuộc tấn công cuối cùng. Nếu không, sẽ có nhiều hơn nữa. Nếu nguồn cung cấp vũ khí của chúng tôi bị cắt đứt, Ukraine sẽ chuyển sang chiến tranh cường độ thấp hơn”.