Ông Tạ Long Hỷ phác thảo “quy trình” nói trên của Uber như sau Uber tiếp nhận yêu cầu của khách, cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và khách, điều xe và quyết định hành trình chạy, quyết định giá cước, giám sát hành trình, thu tiền cước khi kết thúc hành trình, thực hiện việc ăn chia với chủ xe.
Ngoài ra, Uber còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, quy định chế tài xử phạt khi lái xe có lỗi, phạt hành khách (5.000 đồng) nếu gọi xe mà bỏ cuộc. Các công ty cho thuê xe, chủ xe và lái xe được Uber điều động tham gia hành trình phục vụ khách đều không có chức năng kinh doanh taxi như pháp luật quy định.
Ông Tạ Long Hỷ cho rằng, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Việt Nam có 6 loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô, gồm xe buýt, taxi, tuyến cố định, hợp đồng, du lịch bằng ôtô, vận tải hàng hóa bằng ôtô thế nhưng hoạt động trong thời gian qua của Uber không nằm trong Nghị định này.
Hơn nữa, Uber không đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp điều hành và chủ xe không phải nộp các loại thuế, phí; không đủ điều kiện hành nghề taxi…
Hoạt động của Uber hiện tại là điều động, sử dụng các loại xe cao cấp để phục vụ cho những người có thẻ Visa, Mastercard và đang có xu hướng mở rộng ra các đối tượng dùng thẻ ATM nói chung.
Nói về giá cước của Uber, ông Tạ Long Hỷ bày tỏ, các hãng taxi truyền thống, ngoài việc phải đầu tư phương tiện, phải chịu rất nhiều loại thuế phí; trong đó riêng thuế VAT đã là 10%, phải trả lãi vay ngân hàng, tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm cho người lao động… trong khi Uber không phải tốn kém các khoản nói này.
Do kinh tế khó khăn nên các doanh nghiệp vận tải chưa có điều kiện hiện đại hóa lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thua kém doanh nghiệp nước ngoài. Sắp tới, các hãng taxi truyền thống phải tự xem lại mình, phải cố gắng phấn đấu, cải thiện quy trình công nghệ. Tuy nhiên, điều này không thể một sớm một chiều.
Theo ông Tạ Long Hỷ, trong vòng 2 năm, nếu các hãng taxi truyền thống được ưu đãi như Uber thì Hiệp hội Taxi thành phố cũng có thể xây dựng mức giá cưới như giá Uber đang áp dụng hiện nay.
Uber sẽ lũng đoạn thị trường taxi truyền thống và hướng đến việc độc quyền. Nếu để Uber mở rộng phát triển thì không cần phải quy hoạch taxi và đến năm 2020, quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có 12.000 taxi sẽ không còn ý nghĩa.
Từ những lập luận nêu trên, Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo hộ taxi truyền thống thông qua việc chỉ đạo các bộ ngành tuyển chọn các phần mềm ứng dụng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam.
Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để taxi truyền thống có cơ hội tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật. Hiệp hội Taxi thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc, đưa ra lộ trình phù hợp để các hãng taxi truyền thống chạy theo, hạn chế tình trạng rơi rớt hoặc bỏ cuộc do không đủ năng lực cũng như thời gian chuẩn bị.
Những nội dung phản ánh trên sẽ được Hiệp hội Taxi thành phố chuyển gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhằm xem xét, cân nhắc thời điểm cho Uber hoạt động tại Việt Nam.