Chứng chỉ ngoại ngữ “nội” được nhắc đến ở đây là VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) do các Trường ĐH trong nước tổ chức thi và cấp. Bài thi đánh giá năng lực VSTEP được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Khung năng lực được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).
Hiện nay có khoảng 25 trường ĐH trên cả nước được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi đánh giá và cấp chứng chỉ.
ĐH Quốc gia TPHCM vừa ban hành công văn gửi các trường thành viên về việc sử dụng chứng VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp tại các trường thành viên. Hiện nay trong hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị được Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP bậc 3-5. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ duy trì tổ chức kỳ thi tiếng Anh VSTEP bậc 3-5 hằng tháng tại cơ sở quận 1, TPHCM.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù Bộ GD&ĐT là nơi ra đề thi, cấp phép cho các trường ĐH tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhưng Bộ vẫn chưa “chấp nhận” chứng chỉ VSTEP để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh.
Hiện đã có thêm nhiều trường ĐH cũng sử dụng chứng chỉ VSTEP trong xét tuyển sinh cũng như xét chuẩn đầu ra. Trường ĐH Công Nghiệp TPHCM cho biết sẽ sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển sinh ĐH từ năm 2023 trở đi. Được biết, hiện các đơn vị có tổ chức thi chứng chỉ VSTEP hay sử dụng chứng chỉ này để xét công nhận tốt nghiệp đều có quy định thang bậc quy đổi sang thang điểm tương ứng với chứng chỉ quốc tế IELTS. Chi phí học tập và thi VSTEP rẻ hơn rất nhiều so với IELTS, nên được khá nhiều sinh viên, học viên lựa chọn.
Chứng chỉ “nội” chưa “thiêng”
Ghi nhận cho thấy, dù có 25 trường ĐH được Bộ GD&ĐT cho phép thi và cấp chứng chỉ VSTEP nhưng năm 2022 chỉ có duy nhất Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển ĐH.
Năm 2023 chứng chỉ ngoại ngữ “nội” sẽ được sử dụng để xét tuyển đại học Ảnh: Châu Linh |
Nhiều chuyên gia cho rằng do quy trình, cách thức đánh giá và đề thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa tạo được uy tín đối với xã hội, nhất là đối với các trường ĐH và hơn nữa chưa được các nước công nhận nên giá trị sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế, ít người học; chỉ được dùng để bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy trong các trường phổ thông. Hơn nữa, chứng chỉ VSTEP chưa được thế giới công nhận nên các trường ĐH, thí sinh chọn chứng chỉ quốc tế cũng là điều hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết trong Đề án tuyển sinh của Trường năm 2022 không xét tuyển chứng chỉ VSTEP. Từ năm 2023, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ chính thức sử dụng chứng chỉ VSTEP do Trung tâm Ngoại ngữ của Trường tổ chức thi, cấp.
Còn đại diện Trường ĐH Hà Nội, đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP cho hay những năm trước Nhà trường không xét chứng chỉ này. Thời gian tới, khi họp Hội đồng tuyển sinh năm 2023, sẽ đưa nội dung có sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh hay không ra bàn thảo.
PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết VSTEP bài thi được Bộ GD&ĐT phê duyệt và cấp phép cho một số trường ĐH đủ điều kiện để tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Qua lần xét tuyển đầu tiên, Trường ĐH Ngoại ngữ nhận định thí sinh sử dụng kết quả thi VSTEP để xét tuyển vào trường có năng lực tốt. Năm 2023, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển sinh vào trường.
Tại Hội nghị tổng kết Tổng kết kỳ thi Đánh giá năng lực, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ cũng đề xuất với ĐH Quốc gia Hà Nội cùng các đơn vị thành viên và đối tác hoàn toàn có thể dùng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển thẳng đầu vào. Các đơn vị cũng đã đề xuất với Bộ GD&ĐT sử dụng kết quả thi VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.