Trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin CNN, phát ngôn viên Zaw Min Tun cho rằng những người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar đã “kích động đám đông”. Và lực lượng an ninh buộc phải ra tay đàn áp vì người biểu tình “ngăn chặn các công chức đi làm”.
“Lúc đầu, đám đông ném đá và bắn súng cao su vào cảnh sát. Sau đó, họ chặn đường bằng bao cát, dùng súng tự chế, ném bom xăng nên lực lượng an ninh phải sử dụng vũ khí để trấn áp bạo động”, ông Zaw Min Tun nói, đồng thời khẳng định lực lượng an ninh đang hạn chế vũ lực ở mức tối đa.
“Sẽ có người chết khi họ trấn áp các cuộc bạo động. Nhưng chúng tôi không hề bắn bừa.”
Người biểu tình dùng súng chống trả lực lượng an ninh. Ảnh: AP |
Theo quân đội Myanmar, số người biểu tình thiệt mạng tại thời điểm phỏng vấn là 248 người, bao gồm 10 cảnh sát và 6 binh sĩ. Con số này ít hơn nhiều so với số liệu được ghi nhận bởi các nhóm nhân quyền và báo giới địa phương.
Báo giới Myanmar đưa tin ít nhất 600 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc đối đầu với lực lượng an ninh kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cũng cho biết lực lượng an ninh “có xu hướng tăng cường sử dụng các vũ khí hạng nặng và lính bắn tỉa để trấn áp người biểu tình”.
Đáng chú ý, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong số những người thiệt mạng có 46 trẻ em. Những trẻ em này bị bắn khi đang chơi ngoài đường, hoặc thậm chí khi đang ngồi trong nhà.
Khi được hỏi về ba thanh thiếu niên qua đời vì trúng đạn của lực lượng an ninh - Kyaw Min Latt, 17 tuổi, Htoo Myat Win, 13 tuổi và Tun Tun Aung, 14 tuổi – ông Min Tun một lần nữa đổ lỗi cho những người biểu tình vì đã đẩy trẻ em ra tiền tuyến.
"Ở một số nơi, họ kích động trẻ em tham gia vào các cuộc bạo động. Vì vậy, chúng có thể bị tấn công khi lực lượng an ninh trấn áp đám đông", ông Min Tun nói. "Không có lý do gì để chúng tôi phải bắn bọn trẻ. Họ đang cố gắng bôi nhọ hình ảnh của chúng tôi.”
Ông Min Tun khẳng định không có chuyện một đứa trẻ bị bắn khi đang ngồi trong nhà. Phát ngôn viên quân đội cho biết một cuộc điều tra sẽ được thực hiện nếu trường hợp đó xảy ra.
Khi được hỏi về trường hợp 11 người đã bị giam giữ sau khi trò chuyện với nhóm phóng viên CNN ở Yangon, ông Zaw Min Tun xác nhận có vụ bắt bớ. Khi được CNN hỏi rằng những người này phạm tội gì, ông Min Tun nói rằng họ không phạm luật.
“Lực lượng an ninh lo lắng rằng họ sẽ khiêu khích những người khác và bắt đầu cuộc biểu tình, và đó là lý do tại sao họ bị bắt", ông Min Tun nói, và cho biết thêm rằng quân đội bày tỏ sự "hối tiếc" về vụ bắt giữ.
Theo CNN, tám trong số 11 người bị bắt đã được thả, nhưng họ đang lẩn trốn vì sợ phải vào tù lần nữa.