Tương lai nào cho Syria khi Mỹ thay đổi chiến lược?

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Chấm dứt chương trình của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đào tạo và trang bị vũ khí cho phiến quân tại Syria là một sự thay đổi chiến lược của Mỹ trong cách tiếp cận cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa chắc đảm bảo được một Syria ổn định. 

Syria ngày càng bị chi phối bởi các nhóm cực đoan

Kể từ khi can thiệp vào cuộc chiến tại Syria trong hơn 2 năm qua, Mỹ phần lớn tập trung vào cuộc chiến chống IS, thỉnh thoảng lại cố gắng phối hợp sáng kiến ngoại giao với Nga nhằm kết thúc cuộc xung đột. Tuy nhiên, thành công thì chẳng thấy đâu, ngược lại những sáng kiến đó đều thất bại vì cả hai bên đều có những toan tính khác nhau.

Trong khi đó, phiến quân đã phải chịu một thất bại lớn khi để cho Aleppo thất thủ. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường kiềm chế các Đơn vị Bảo vệ Người Kurd (YPG), bất luận điều này gây phương hại tới cuộc chiến của quân nổi loạn chống chính phủ Syria. Với sự hậu thuẫn của Nga, quân đội chính phủ Syria liên tiếp giành được những thành trì quan trọng tại Raqqa và Deir al-Zor.

Tất cả những động thái trên đã dẫn tới hậu quả là bức tranh nổi loạn ở Syia ngày càng bị chi phối bởi những phe nhóm cực đoan như Hayat Tahrir al-Sham (HTS - từng có quan hệ với tổ chức Al-Qaeda) và Nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham.

Đặc biệt, ngay sau quyết định của Mỹ, các phe nhóm phiến quân Syria đã hỗn chiến lẫn nhau tại thành phố Idlib ở miền Bắc Syria. Ngày 23/7, nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham đã giành quyền kiểm soát thành phố Idlib, chỉ 2 ngày sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham. 

Trước đó, nhóm Hayat Tahrir al-Sham, do chi nhánh cũ của mạng lưới al-Qaeda tại Syria cầm đầu, đã bao vây nhóm Ahrar al-Sham sau khi tiến vào khu vực cửa khẩu Bab al-Hawa.

Giao tranh giữa Ahrar al-Sham và Hayat Tahrir al-Sham - 2 nhóm phiến quân đang tranh giành ảnh hưởng tại tỉnh Idlip - tỉnh duy nhất của Syria vẫn do phiến quân chiếm giữ hoàn toàn, được coi là ác liệt nhất tại khu vực này.

Hayat Tahrir al-Sham đã chiếm ưu thế tại một số khu vực, trong đó có khu vực cửa khẩu Bab al-Hawa - tuyến đường tiếp viện quan trọng cho lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Khoảng trống an ninh do Mỹ để lại

Trong bối cảnh cuộc chiến thông thường với IS bước vào giai đoạn cuối, Mỹ nhận thức rõ rằng họ không thể tiếp tục thái độ gần như phớt lờ cuộc nội chiến Syria được nữa. Nếu thiếu một nỗ lực toàn diện và thành công nhằm bình ổn cuộc chiến, những tổ chức cực đoan khác sẽ tiếp tục được lợi từ sự hỗn loạn tại quốc gia này để tái gây dựng lực lượng và có nguy cơ tái trỗi dậy thành một lực lượng đáng gờm.

Bối cảnh đó đặt Mỹ trước hai lựa chọn: Nhà Trắng có thể tăng gâp đôi nỗ lực để hỗ trợ phiến quân với hy vọng buộc chính phủ Syria phải thỏa hiệp.

Hoặc thay đổi chiến thuật hoàn toàn bằng cách từ bỏ ý định lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và thay vào đó hợp tác với Nga trong những nỗ lực ngừng bắn để có thể bình ổn, nếu không thể chấm dứt, cuộc chiến. 

Phương án thứ nhất đã trở nên xa vời. Những gì diễn ra trong mấy năm qua cho thấy rõ Mỹ không có ý định giao chiến với Nga và Iran vì Syria, mà thay vào đó đóng vai trò gần như độc quyền trong cuộc chiến chống IS.

Ngoài ra, nếu Mỹ lại bắt đầu viện trợ cho phiến quân, thì lực lượng này vẫn không thể trở lại là mối đe dọa đối với chính phủ Syria như họ đã từng vào năm 2015 và trước đó. Đối phó với một kẻ thù đã ở thế "sức cùng lực kiệt", chính quyền Damascus hầu như không có động cơ để phải thỏa hiệp.

Phương án thứ hai là Mỹ hợp tác với Syria chí ít tận dụng việc Moscow mong muốn can dự nhiều hơn với Mỹ. Không may cho Mỹ là quyết định đảo ngược cách tiếp cận đối với cuộc nội chiến Syria sẽ không tránh khỏi kéo theo những hậu quả tiêu cực.

Trước hết, việc chấm dứt chương trình của CIA đồng nghĩa với kết liễu số phận của những tổ chức phiến quân tại Syria, khiến cho những tổ chức này dần dần bị thôn tính bởi những nhóm cực đoan như Hayat Tahrir al-Sham.

Thứ hai, với việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ưu tiên cho cuộc chiến chống YPG và trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Qatar và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, những đồng minh khác của phiến quân sẽ khó có thể duy trì được những cuộc chiến "mượn tay người khác" chống lại những lực lượng cực đoan. Ngoài các lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sáp nhập với Mặt trận Phương Nam, và một số đơn vị của Quân Giải phóng Syria, chắc chắn các tổ chức phiến quân cực đoan sẽ chi phối bức tranh đối lập tại Syria. 

Trong khi đó, tình hình Syria, dưới sự lãnh đạo của Assad chắc chắn sẽ tiếp tục chìm trong bạo loạn. Trên thực tế, lệnh ngừng bắn Mỹ-Nga và các thỏa thuận về khu vực giảm leo thang căng thẳng chỉ che đậy một thực tế rằng chính phủ Syria, dưới sự hậu thuẫn của Iran, không có ý định từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào của quốc gia này.

Với một chính quyền Damascus theo đuổi chiến thắng toàn diện trước phe đối lập và một Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm trấn áp YPG, tình hình Syria khó có thể khôi phục được sự ổn định trong vài năm tới. Quốc gia này sẽ là trung tâm của bạo lực và xung đột. Và những kẻ cực đoan khác cũng sẽ nhân cơ hội đó tiến hành thành lập những tổ chức dân quân mới. 

MỚI - NÓNG