Đây chính là nguồn nhân lực chủ chốt của đất nước trong từng giai đoạn, nhanh chỉ một vài năm đối với lứa sinh viên, chậm nhất cũng chỉ một hai thập kỷ đối với lứa tiểu học hay mầm non hôm nay.
Năm nay có sự đổi mới rất đáng chú ý ở một số địa phương như TPHCM hay Đà Nẵng. Đó là việc các lãnh đạo không phát biểu trong lễ khai giảng, còn hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng cũng phải hết sức ngắn gọn, không báo cáo thành tích dài dòng. Cách đây vài năm, tôi từng chứng kiến lễ khai giảng tại một trường tiểu học ở Hà Nội, cả ngàn em nhỏ mồ hôi nhễ nhại ngồi dưới sân trường đồng loạt vỗ tay trên đầu (giống kiểu vỗ tay “Chúng tôi là chiến sĩ” trên tivi) rồi đồng thanh hô vang “kính chúc sức khỏe các vị đại biểu”. Sau đó, các em phải tiếp tục ngồi “chịu trận” với các màn diễn văn, báo cáo thành tích, diễu hành… dài lê thê. Đó là một kịch bản khai giảng thiên về nghi lễ dành cho các vị đại biểu hơn là cho những nhân vật chính - các em học sinh.
Hôm qua, một tờ báo mạng cũng giới thiệu Lễ tựu trường một trường tiểu học tại Paris, Pháp. Không trống, không cờ, không kèn, không phát biểu cảm ơn lãnh đạo tham dự. Chỉ có hình ảnh một cô hiệu trưởng tận tình đứng trước cổng ra vào, cười tươi rói với 300 lượt “bonjour” (xin chào) với từng học sinh và phụ huynh. Không có những diễn văn hoành tráng như ở ta, nhưng đổi lại phụ huynh có thể được đích thân hiệu trưởng hoặc thầy cô trò chuyện nhiệt thành, giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc.
Chỉ một chi tiết nhỏ là lễ khai giảng thôi, song rõ ràng đã nói lên nhiều điều về sự khác nhau giữa các nền giáo dục, về sự thực học và hiệu quả đích thực của nguồn nhân lực mà các nền giáo dục này sản sinh ra. Quyết tâm đổi mới “căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà đã được ghi vào Nghị quyết của Đảng. Đó phải là một nền giáo dục hướng tới phát huy tối đa năng lực và sự sáng tạo trong mỗi cá nhân thay vì lối học vẹt, nhồi nhét, áp đặt bấy lâu nay. Và rõ ràng “không thầy đố mày làm nên”, trung tâm của đổi mới phải chính là đội ngũ thầy cô, là hệ thống trường sư phạm, là cách dạy, cách thi, rồi mới đến cách học.
Học trò là mục tiêu đồng thời là đối tượng thụ hưởng cuối cùng của công cuộc đổi mới giáo dục. Học trò, tất nhiên cũng sẽ là “nạn nhân” cho những đổi mới dang dở hay thất bại. Chỉ vài ba nhiệm kỳ của một hai vị bộ trưởng giáo dục, lập tức 4,6 triệu trẻ mầm non hay 7,8 triệu học sinh tiểu học hôm nay sẽ “ra lò”, sẽ gia nhập đội ngũ nhân lực chủ chốt của nước nhà. Chính vì vậy, đổi mới giáo dục là cấp thiết trước thực trạng hiện nay, song đổi mới như thế nào lại là điều tối quan trọng. Bởi nó định hình cho cả một hoặc nhiều thế hệ tương lai của dân tộc. Và không ai khác, suy cho cùng chính chất lượng nền giáo dục sẽ quyết định tương lai của đất nước.