Tướng Bosnia uống thuốc độc tự tử trước tòa

Cựu tướng Slobodan Praljak uống thuốc độc tự tử trước tòa ngày 29/11. Ảnh: CNN.
Cựu tướng Slobodan Praljak uống thuốc độc tự tử trước tòa ngày 29/11. Ảnh: CNN.
TP - Ngày 29/11, cựu tướng người Bosnia gốc Croatia  Slobodan Praljak uống thuốc độc tự tử giữa phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh tại Hague, Hà Lan.

Thước phim quay được tại Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ (ICTY) cho thấy ông Slobodan Praljak, 72 tuổi, hơi nghiêng đầu và uống nước từ một chai thủy tinh nhỏ ngay sau khi chủ tọa tuyên án. Trước khi uống thuốc độc, ông Praljak hét lên: “Slobodan Praljak không phải là một tội phạm chiến tranh. Tôi kịch liệt phản đối bản án này”.

Ngay lập tức, thẩm phán cho dừng phiên tòa. Xe cứu thương nhanh chóng đưa ông Praljak đi cấp cứu. Một phát ngôn viên của ICTY cho biết, phòng xử án được niêm phong để điều tra và ông Praljak đã chết tại bệnh viện.

Ông Praljak vốn là một đạo diễn kịch và điện ảnh, rồi trở thành một vị tướng nổi tiếng thời chiến. Ông từng là cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Croatia và Chỉ huy Hội đồng Quốc phòng Croatia. Ông là một trong sáu cựu lãnh đạo Bosnia-Croatia bị cáo buộc phạm tội ác chống lại nhân loại và các tội ác chiến tranh, bao gồm hãm hiếp và giết người Hồi giáo ở Bosnia vào năm 2013.

Theo bản cáo trạng ban đầu, Praljak đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vũ khí và đạn dược của Hội đồng Quốc phòng Croatia. Tại phiên xét xử trước, ông bị kết án 20 năm tù và kháng án. Tại phiên xét xử lần này, các thẩm phán vẫn giữ nguyên mức án 20 năm tù. Các thẩm phán ủng hộ quan điểm của phiên tòa trước đó cho rằng, các bị cáo có liên quan tới những tội ác xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1994,  một phần của cuộc xung đột lớn hơn tiếp theo sau sự đổ vỡ của Nam Tư cũ vào đầu những năm 1990. Khi đó chế độ Croatia dưới thời Tổng thống Franjo Tudjman được cho là có  âm mưu tiêu diệt những người theo đạo Hồi ở Bosnia để đảm bảo sự thống trị của Croatia.

Ông Praljak còn bị buộc tội ra lệnh phá hủy cầu ở Mostar vào tháng 11/1993. Tuy nhiên, ông Praljak kháng cáo rằng, chiếc cầu đó là “mục tiêu quân sự vào thời điểm tấn công” và được các thẩm phán chấp thuận, nhưng họ từ chối giảm án tù của ông.

Sáu bị cáo trong phiên xét xử này đều nhận những án tù giam từ 10 năm đến 25 năm và không thể kháng cáo nữa vì ICTY sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 31/12/2017. ICTY là cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1993 để xét xử các tội phạm chiến tranh sau khi Nam Tư cũ tan rã từ 1991. Đến nay, ICTY đã truy tố và xử lý 161 người.

Các công tố viên Hà Lan đang điều tra việc làm thế nào mà ông Praljak có được chai thuốc độc khi ông bị tạm giam tại tòa án của Liên Hợp Quốc, nơi nổi tiếng về sự canh phòng cẩn mật. Ngoài ra, họ đang điều tra xem liệu có ai  giúp đỡ ông Praljak  hay không và chất độc đó là gì. Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao một chất cực độc như vậy có thể được tuồn vào trung tâm giam giữ của Liên Hợp Quốc.

Luật sư của Praljak nói: “Khách hàng của tôi nói rằng ông ta đã dùng chất độc”.

Đây không phải là lần đầu tiên các bị cáo tự tử tại ICTY. Cựu lãnh đạo người Serbia- Croatia Milan Babic tự tử trong phòng giam tại trung tâm giam giữ của Liên Hợp Quốc năm 2006. Cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic chết trong phòng giam năm 2006 trước khi phiên xử của ông hoàn tất. Trước đó, năm 1998, ông Slavko Dokmanovic, người Serbia-Croatia cũng tự tử khi đang chờ xét xử.

Theo Theo CNN, SCMP
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.