Do đó người ở độ tuổi này rất dễ mắc bệnh và thường gặp là: mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, loãng xương… Nguy hiểm hơn là các bệnh ác tính như ung thư tử cung, ung thư dạ dày…
Các chuyên gia về sức khỏe khuyên rằng với những người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ thường xuyên ít nhất là 6 tháng 1 lần cho dù có bệnh hay không. Việc làm này không chỉ là để theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại mà còn sớm phát hiện bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời giúp người bệnh vừa tiết kiệm chi phí vừa phòng chống bệnh tốt hơn. Đối với những trường hợp có bệnh, đang điều trị và theo dõi thì cần đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị và xử lý kịp thời khi bệnh có chiều hướng xấu.
Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi:
- Bệnh lý về tim mạch: Hay gặp nhất là bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch não... .Các bệnh này thường gặp ở người béo phì, nghiện bia, rượu.
- Bệnh lý về hệ xương khớp: Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gout, đau khi thay đổi thời tiết. Thoái hóa khớp gối, gây biến chứng cứng khớp gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy. Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ. Loãng xương cũng là một tình trạng phổ biến ở người cao tuổi.
- Bệnh lý về hệ hô hấp: Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những bệnh hay gặp, nhất là ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều... Bệnh hay gặp vào mùa lạnh hoặc khi chuyển mùa.
- Bệnh lý về đường tiêu hóa: Viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng. Táo bón là do ít vận động, ít ăn chất xơ, uống ít nước cho nên phân ứ lại lâu ngày ở trực tràng làm cho các mạch máu trực tràng giãn ra, lâu ngày dẫn đến bệnh trĩ. Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính, ung thư đại trực tràng cũng có thể gặp ở người cao tuổi, rối loạn về chức năng gan (tăng AST, ALT).
- Bệnh về hệ tiết niệu - sinh dục: U xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến, biểu hiện bằng đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, bí tiểu, tiểu ra máu, nhất là vào ban đêm.
- Bệnh lý về nội tiết: Nhất là ở nữ giới, khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Cơ thể khó chịu, hay có cơn bốc hỏa, hay quên, rối loạn kinh nguyệt trước khi hết kinh nguyệt,…Ở một số trường hợp nặng, cần phải dùng liệu pháp bổ sung hormon sinh dục nữ để cải thiện triệu chứng.
- Bệnh lý về hệ thần kinh trung ương: Trí nhớ kém, hay quên, Parkinson, Alzheimer, rối loạn tiền đình, mất ngủ.
- Bệnh lý về mắt: Đục thủy tinh thể
- Giảm chức năng nghe, các bệnh về răng hàm mặt
- Bệnh lý về chuyển hóa: Rối loạn một số chỉ số về mỡ máu (cholesterol, triglycerid), rối loạn về chức năng gan (SGOT, SGPT), đái tháo đường.
Người độ tuổi trung niên và cao tuổi có nhiều rối loạn tâm sinh lý, cũng như các chức năng. Do đó cần phải được khám sức khỏe định kỳ:
- Trọng lượng: Nên theo dõi sự thay đổi trọng lượng cơ thể. Nếu trọng lượng thay đổi hơn 10% trong vòng 12 tháng thì nên đi khám bệnh.
- Đo huyết áp: Bắt đầu từ năm 19 tuổi, áp huyết cần được đo ít nhất 2 hoặc 3 năm một lần. Người trung niên và cao tuổi cần thường xuyên theo dõi huyết áp. Nếu chưa có những triệu chứng gì liên quan đến huyết áp thì ít nhất đi khám định kỳ mỗi năm một lần. Khi cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, sáng thức dậy thấy đau đầu và trong gia đình có người bị bệnh tăng huyết áp hoặc tử vong do tăng huyết áp hoặc bản thân làm công việc có nhiều áp lực, hút thuốc, uống rượu nhiều thì nên sớm kiểm tra xem có mắc chứng tăng huyết áp hay không, tốt nhất nên chuẩn bị máy đo huyết áp tại nhà để tiện theo dõi.
- Khám răng: Nếu có những triệu chứngnhư đau răng, chảy máu chân răng, nhai gặp khó khăn, miệng có mùi hôi thì nên kiểm tra để phát hiện sâu răng, cao răng, viêm lợi, viêm chân răng…
- Lưng: Khi cảm thấy đau lưng, cảm giác khó chịu thì nên đi kiểm tra xem có bị giãn dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hay dây chằng bị tổn thương hoặc bệnh liên quan đến hệ tiết niệu.
- Khám tai và mắt: Thỉnh thoảng nên được kiểm tra thính giác và thị giác. Khi thấy xuất hiện những triệu chứng giảm thị lực, dễ bị mỏi mắt, đau mắt, khô mắt, nhìn thấy lờ mờ, khó chịu khi nhìn ánh sáng, thậm chí bị đau đầu thì nên tiến hành kiểm tra thị lực xem có mắc các chứng bệnh như: cận thị, viễn thị, chứng giảm sức nhìn, loạn thị, bệnh tăng nhãn áp, bệnh đục nhân mắt…hay không. Nếu đã đeo kính thường hay kính sát tròng thì hàng tháng phải đi kiểm tra thị lực định kỳ. Bình thường thì mỗi 2 năm nên kiểm tra 1 lần, nếu như mắc phải các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc gia đình có tiền sử cận thị thì ít nhất mỗi năm nên kiểm tra mắt một lần.
- Xét nghiệm lipid máu: Trong máu có nhiều thành phần lipid, khi rối loạn các thành phần này có thể gây nên các bệnh lý tim mạch, thần kinh hoặc viêm tụy.Theo khuyến cáo thì ta nên thử cholesterol 5 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 19. Đối với người trung niên và cao tuổi nên mỗi năm làm xét nghiệm kiểm tra các thành phần lipid trong máu một lần.
- Xét nghiệm đường máu: Bắt đầu từ tuổi 45 trở lên cảm giác vẫn khỏe mạnh thì mỗi năm kiểm tra một lần. Khi có những triệu chứng như: Hay khát nước, uống nhiều nước, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân nhanh và gia đình có người bị bệnh đái tháo đường cần đến bệnh viện kiểm tra về lượng đường trong máu, lipid máu, huyết áp càng sớm càng tốt.
- Khám phát hiện sớm ung thư đại trực tràng: Người lớn tuổi nhất là nam giới cần được khám phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Người từ 50 tuổi trở lên nên được thử phân và khám hậu môn mỗi năm một lần và nên được soi đại tràng xích ma 3 - 5 năm một lần.
- Tiêm phòng viêm gan B: Vì tỷ lệ người Việt Nam bị viêm gan B khá cao, những ai sống chung với người nhiễm viêm gan B và chưa có sức miễn nhiễm đều nên nghĩ đến chuyện tiêm phòng.
Đối với phụ nữ ngoài việc được khám định kỳ chung còn cần phải lưu ý đến một số bệnh lý hay gặp ở nữ trung niên và cao tuổi:
- Khám vú: Phụ nữ nên học cách khám vú để có thể tự khám cho mình mỗi tháng sau kỳ kinh để phát hiện các bất thường của vú để xử trí sớm. Phụ nữ bắt đầu từ tuổi 40, mỗi năm cần được khám một lần tại các cơ sở y tế, nên chụp hình vú hai năm một lần. Sau tuổi 50 thì nên chụp hình vú mỗi năm một lần.
- Khám phụ - khoa: Bắt đầu từ tuổi 19 cần được khám phụ khoa. Nếu phụ nữ đã lập gia đình sớm hoặc có bạn trai và có giao hợp sớm thì có thể khám sớm hơn. Nếu kết quả kiểm tra bình thường sau ba năm liên tiếp thì có thể giảm thời gian khám bệnh xuống mỗi 2 - 3 năm một lần.
Đối với nam giới bước vào tuổi trung niên và cao tuổi có sự giảm về chức năng sinh lý sẽ xuất hiện một loạt các biểu hiện về rối loạn chức năng nội tiết, được gọi là thời kỳ "mãn kinh nam". Nói một cách chính xác, "thời kỳ mãn kinh nam" chính là giai đoạn bị thiếu hụt testosteron. Đó là mệt mỏi, mất ngủ, mất tự tin, giảm năng lực sản xuất, hay toát mồ hôi, đau nhức xương khớp, bất lực, ít muốn gần vợ.... Ngoài ra còn có những rối loạn về nhận thức, suy giảm khí sắc, mật độ xương, tăng khối mỡ, rối loạn tim mạch, đau đầu, ngại vận động....Do vậy, ngoài khám định kỳ chung cũng cần được kiểm tra để phát hiện một số rối loạn hoặc bệnh có tính đặc thù.
- Bộ phận sinh dục ngoài: nếu có những triệu chứng như tinh hoàn bị phù nề, bên trong có chỗ bị sưng lên, đau tinh hoàn thì kiểm tra tinh hoàn, kiểm tra máu, kiểm tra nước tiểu xem có tiềm ẩn những căn bệnh ung thư liên quan bộ phận sinh dục hay không. Cũng có thể tự kiểm tra tại nhà ít nhất mỗi tháng một lần. Nếu thấy có chỗ bị sưng đau, tinh hoàn bị sa xuống thì nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.
- Dấu hiệu phì đại tuyến tiền liệt: Nếu trước đây bạn không có hay rất ít khi đi tiểu vào ban đêm, mà nay thường bị tỉnh giấc nhiều lần và đi tiểu, kèm theo dòng chảy của nước tiểu bị ngắt quãng, hay rất khó để bắt đầu, cần hết sức thận trọng. Đó là những dấu hiệu của bệnh phì đại tuyến tiền liệt, mà để lâu có thể phát triển thành ung thư tuyến tiền liệt. Để kiểm soát bệnh ung thư tiền liệt tuyến, nam giới sau 45 tuổi, hàng năm nên đi khám tuyến tiền liệt, siêu âm tiền liệt tuyến. Ở lứa tuổi 50 trở đi nên xét nghiệm máu đánh giá dấu chỉ điểm ung thư tiền liệt tuyến (PSA). Những nam giới có yếu tố nguy cơ cao, đặc biệt những người đang có tình trạng phì đại lành tính tiền liệt tuyến hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến, nên kết hợp cả thăm khám trực tràng và test PSA định kỳ hàng năm từ 40 tuổi trở đi.
- Bệnh truyền nhiễm: Nếu có những triệu chứng: tiểu không kiểm soát được, tiểu buốt, dương vật tiết ra dịch lạ có mùi thì cần kiểm tra dương vật, kiểm tra máu và nước tiểu. Ngoại trừ những trường hợp đã xác định bệnh chắc chắn hay cấp tính phải đi khám bác sĩ thì đối với những nam giới cảm thấy sức khỏe bình thường cũng nên kiểm tra mỗi năm một lần.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông
Dược & Mỹ phẩm