Đừng tỏ ra mình lanh hơn người khác, đừng tỏ ra mình khôn hơn người khác. Phải sống thành thực, phải sống bộc trực, phải sống hồn nhiên, phải sống siêng năng. Tuyệt đối không nói láo, không làm những chuyện mờ ám, không làm mất niềm tin người khác. Đó chính là tạo tài sản vô hình, để biến tài sản vô hình thành hữu hình, giải quyết cuộc sống của mình.
Anh đừng nghĩ rằng anh có tiền là người ta tin anh. Cái đó là lầm lẫn. Anh phải xây dựng niềm tin cho người khác bằng sự trung thực của mình, chứ không phải xây dựng niềm tin ở người khác bằng cách chứng minh rằng mình có tiền, hay chứng minh là mình có bằng cấp cao. Cái đó là hết sức lầm lẫn. Anh có bằng cấp cao, có tiền chưa chắc đã xây dựng được niềm tin với nhiều người. Anh phải thể hiện cái đức hạnh anh sống, cái sự hy sinh đem niềm vui cho người khác, đem cái lợi cho người khác. Tất cả mọi việc anh nghĩ, anh nói, anh làm trước nhất là phải có lợi cho người khác.
Đó là cách tạo niềm tin của người ta đối với mình, và đó chính là tài sản cơ bản nhất. Người ta tin anh, người ta cho anh tiền. Người ta tin anh, người ta cho anh trí tuệ. Người ta tin anh, người ta cho anh cơ hội. Nhưng nếu người ta phát hiện anh có một chút không thành thật là vĩnh viễn không bao giờ người ta tin anh nữa. Dù anh có ma lanh cỡ nào thì người ta cũng không thể tin anh được. Không thể dùng sự ma lanh của mình, sự khôn vặt của mình mà tạo được niềm tin cho người khác. Chuyện ấy muôn đời là thất bại, vĩnh viễn là thất bại, dù anh có khéo cỡ nào cũng thất bại.
Tuổi trẻ cần phải học bài học này. Anh khéo đến đâu, anh che đậy đến đâu, anh cũng thất bại. Anh vụng về nhưng anh vì quê hương của anh, điều ấy đáng quý. Anh vụng về nhưng vì quyền lợi của người khác, điều ấy đáng quý. Anh quá khéo léo mà chỉ vì cá nhân của anh thôi, điều ấy đáng khinh bỉ và không đáng tin tưởng. Anh khéo cỡ nào mà anh chỉ vì quyền lợi của anh, vì muốn bảo vệ anh, điều ấy cuối cùng người ta cũng thấy rõ và không ai còn tin anh nữa.
Tuổi trẻ phải hết sức nghiêm khắc trong vấn đề này. Thà vụng về mà ngay thẳng còn hơn quá khéo léo mà gian dối. Quá khéo léo mà gian dối, dứt khoát cuộc đời anh sẽ khổ đau. Anh đừng nghĩ rằng tiền vàng bạc bể sẽ đem lại cho anh hạnh phúc. Điều ấy sai lầm.
Dù anh có tiền vàng bạc bể, anh cũng khổ đau. Sự khôn khéo, khôn lanh, khôn vặt, lanh vặt, giỏi che, giỏi lấp, giỏi tô vẽ để cuối cùng rồi anh cũng lãnh hậu quả đau buồn.
Dù anh có tài sản, anh cũng lãnh hậu quả đau buồn. Dù anh có vợ đẹp, anh cũng lãnh hậu quả đau buồn. Còn sự trung thực, sự nói thật, sự sống thật, sự bình dị đem đến cho anh hạnh phúc thực sự, đem lại cho anh sự chấm dứt vô minh. Luôn luôn thành thật, luôn luôn nghĩ cái lợi cho người khác trước cái lợi của mình, thì dù anh có sống một mình anh cũng hạnh phúc, dù anh có nghèo anh cũng hạnh phúc.
Chỉ cần một lời nói dối của anh, một hành vi giả dối của anh là coi như đời anh sụp đổ hết. Đừng nghĩ rằng mình khéo léo mà không ai biết. Đừng bao giờ chủ quan như vậy. Anh khéo trời thì người ta cũng biết. Tốt nhất là phải trung thực, tốt nhất là phải thành thật, cho dù vụng về cũng là điều đáng quý. Anh vụng về đến cỡ nào mà anh trung thực thì người ta cũng giúp đỡ anh đến cùng. Đừng sợ mình nghèo, chỉ sợ mình thiếu trung thực.
Tôi cho đây là một bài học rất nghiêm khắc với tuổi trẻ. Bao nhiêu cái đẹp người ta dành cho anh, chỉ cần anh lươn lẹo một chút xíu là sụp đổ hết. Sụp đổ toàn bộ cái vĩ đại, sụp đổ toàn bộ cái tâm hồn mà người ta dành cho anh. Thế nhưng, anh sống hồn nhiên, sống trung thực không phải để anh chinh phục người khác, để anh được sự giúp đỡ.
Không được nghĩ như vậy! Không đặt cái mục đích ấy ra. Anh sống trung thực, anh sống thành thật là để anh chấm dứt vô minh. Đơn giản như vậy thôi. Chứ không phải tôi sống trung thực, tôi sống thật thà để chinh phục người khác. Cái điều ấy lại càng sai lầm, lại càng đi vào sự lươn lẹo theo một kiểu khác.
Đừng sợ đói! Đừng sợ nghèo! Đừng sợ dốt! Hãy trung thực. |
Tôi rất thẳng thắn với tuổi trẻ, bởi vì tôi thấu hiểu rất rõ tuổi trẻ phải trả cái giá như thế nào cho cuộc đời của mình. Tôi đã nói rất nhiều lần, dường như trời đất sinh tôi ra là dành cho tuổi trẻ, và tôi công khai bênh vực, bảo vệ cho tuổi trẻ. Tôi không giấu diếm chuyện ấy, bởi vì tôi thấu hiểu nỗi bất an, nỗi bế tắc của tuổi trẻ. Cái thời kì đẹp nhất ấy của con người thì lại lâm vào tình cảnh không có lối thoát trong đời sống tinh thần của mình.
Tôi tha thiết truyền cái thông điệp trung thực để chấm dứt vô minh này đến tất cả các bạn trẻ. Và mong rằng tuổi trẻ hãy tỉnh táo nhận lấy cái thông điệp này mà cố gắng sống để chấm dứt vô minh, để mình làm chủ được cuộc đời của chính mình.
Đừng sợ đói! Đừng sợ nghèo! Đừng sợ dốt! Hãy trung thực, biết lo cho cái khó khăn của người khác, biết đem lại quyền lợi cho người khác, biết hy sinh quyền lợi cá nhân mình. Quý vị cứ làm đi! Đừng sợ nghèo! Đừng sợ đói! Đừng sợ thiếu thốn! Quý vị sẽ thấy sự nhiệm màu của sự chấm dứt vô minh.
Đừng có nóng ruột khi gia đình mình đang khó khăn, đừng có nóng ruột khi cha mẹ chưa thông cảm với mình. Hãy để qua một bên. Hãy lo chấm dứt vô minh cho mình, rồi quý vị sẽ thấy tất cả sẽ được thay đổi. Nếu mình cứ khôn lanh, vun sới cho đầy cái mình dệt, thì đúng như ông bà ta đã nói: «Dã tràng xe cát biển đông». Xây một toà nhà trên đống cát, chỉ cần một con sóng nhẹ qua là căn nhà sụp đổ ngay.
Hãy xây dựng sự nghiệp của mình trên sự trung thực, đừng nóng lòng chạy theo người khác kiếm tiền cho nhiều, kiếm chữ nghĩa cho nhiều, kiếm hình thức cho nhiều, rồi tưởng đâu là thành tựu. Cái đó không phải đâu! Biết hy sinh cái quyền lợi của mình cho người khác, biết làm cho người ta được trước mình, biết sống trung thực với người khác, sống trung thực với chính mình. Vì một lẽ rất đơn giản là để mình chấm dứt vô minh, để mình phát triển cái trí làm chủ cho cuộc đời của mình.
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199) |