Tuần duyên của Nhật Bản 'căng mình' vì tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku
> 'Dùng vũ lực, Trung Quốc sẽ trả giá thảm khốc hơn Nhật'
> Senkaku/Điếu Ngư qua tài liệu mật của CIA
Cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông diễn ra ngày càng quyết liệt. Các tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại các vùng biển quanh quần đảo này, khiến Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thường xuyên phải căng sức để làm nhiệm vụ.
Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (Hong Kong) dẫn lời giới chuyên gia phân tích Nhật Bản cho rằng sự cần thiết phải thường xuyên giám sát các vùng biển có nghĩa là các nhiệm vụ cần thiết khác của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bị lơ là.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang dành quá nhiều nguồn lực cho việc bảo vệ quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đến mức điều đó có thể ảnh hưởng đến những nhiệm vụ khác, trong đó có các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp các con tàu gặp nạn.
Các đơn vị thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển ở miền Nam Nhật Bản đã được nâng mức báo động lên cấp quốc gia trong 3 tuần qua kể từ khi Chính phủ Nhật Bản công bố hồi tháng trước rằng họ đang quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, bằng cách mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo này từ các chủ sở hữu tư nhân.
Nhiều tàu của Trung Quốc đã kéo đến vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkau 3 ngày sau đó và đã có thời điểm có tới 13 tàu của Trung Quốc Đại lục ở các vùng biển gần với quần đảo tranh chấp. Các tàu bảo vệ bờ biển của Đài Loan cũng đã đến các vùng lãnh hải Nhật Bản, cùng với hàng chục tàu cá treo những băngrôn tuyên bố quần đảo Senkaku thuộc lãnh thổ Đài Loan, với tên gọi của Đài Bắc là Điếu Ngư Đài.
Theo giới chuyên gia, sự cần thiết phải liên tục giám sát các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku đang gây thiệt hại cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Mặc dù một người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã không thể bình luận về các hoạt động của lực lượng này, song các quan chức cấp cao đang phải sắp xếp lại các nguồn lực của họ.
Rất dễ nhận thấy một ví dụ là tổng hành dinh của lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực đóng tại Yokohama hiện có rất ít tàu neo đậu tại cảng. Thông thường, đơn vị này có khoảng 10 trong đội tàu 15 chiếc ở khu vực dọc bến cảng, nhưng trong những ngày qua chỉ có duy nhất 1 tàu còn ở đó.
Phát biểu với báo trên, ông Masafumi Iida - chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản - nói: “Lực lượng bảo vệ bờ biển đang phải làm việc ngày càng nhiều, nhưng số lượng trang thiết bị thì ngày càng hạn chế. Lực lượng này không chỉ phụ trách công tác bảo vệ chủ quyền quần đảo Senkaku mà còn phụ trách các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cũng như một loạt nhiệm vụ khác trên các vùng biển quanh đất nước.
Dĩ nhiên, việc bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu của lực lượng này, nhưng điều đó có nghĩa là những trách nhiệm khác đang bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của Trung Quốc ở quanh quần đảo Senkaku.” Ông Iida cũng nhất trí rằng tình trạng hiện nay có thể khiến các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ bị chậm trễ. Trong một số trường hợp, những chậm trễ có thể gây ra tai họa, đặc biệt là khi mùa Đông đang đến gần.
Đội tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản có 121 chiếc, với 9 chiếc neo đậu ở Naha, bến cảng chính của tỉnh Okinawa và là căn cứ gần quần đảo Senkaku nhất. Các nguồn tin cho biết lực lượng này vừa được tăng cường thêm 20 tàu từ các khu vực khác. Tất cả các tàu này đều cần tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng liên tục, và cho các thủy thủ nghỉ ngơi.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hiện chỉ có khoảng 12.600 nhân viên trên khắp đất nước và cuộc khủng hoảng trên biển Hoa Đông hiện nay đã kéo mỏng các nguồn lực của lực lượng này./.
Vietnam+