Từ vụ Xuân Lan cầu cứu: Lời chê của chuyên gia có giết chết một bộ phim ngoài rạp?

TPO - Theo chuyên gia, sức mạnh lớn nhất của bài đánh giá phim, nhà phê bình là định hình kỳ vọng của khán giả. Thành công hay thất bại của phim phụ thuộc vào nhiều thứ, đặc biệt là nội dung, kịch bản đủ sức kéo chân người xem ra rạp.

Những ngày qua, Xuân Lan trở thành từ khóa được bàn tán trên mạng, sau khi nữ người mẫu kêu gọi khán giả giải cứu bộ phim Cái giá của hạnh phúc. Nhà sản xuất nói cô "ăn không ngon, ngủ không yên" vì sợ không thể thu hồi vốn bộ phim đầu tay (đang có doanh thu 23,1 tỷ đồng, tính đến ngày 29/4).

Trong lúc mong khán giả ủng hộ phim để cô có cơ hội được làm phim tiếp, Xuân Lan tiếp tục tạo tranh luận khi "cãi tay đôi" với Lê Hồng Lâm, người được nữ người mẫu nhận định là "có sức ảnh hưởng trong giới phê bình phim".

Theo Xuân Lan, bài đánh giá trên mạng của Lê Hồng Lâm "kéo theo hệ lụy không nhỏ đến phim". Cô còn cho rằng Lê Hồng Lâm đập búa vào bộ phim mình sản xuất.

Sau khi phim bị đánh giá thấp, Xuân Lan nêu quan điểm rằng "xã hội văn minh không thể có duy nhất một người sống và những người còn lại đều phải chết".

Nhưng liệu, một bài đánh giá, những lời góp ý từ người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội có quyết định thành bại của tác phẩm chiếu rạp?

Đâu chỉ riêng Xuân Lan bị góp ý

Từ Tết Nguyên đán, phim Việt ồ ạt ra rạp. Với bốn bộ phim ra rạp dịp Tết gồm Mai, Gặp lại chị bầu, Sáng đèn Trà giúp khán giả có nhiều lựa chọn, nhiều chuyên gia kỳ vọng mùa phim có sức cạnh tranh lớn, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh.

Nhưng thực tế trái với kỳ vọng.

Sáng đèn Trà thông báo rút khỏi rạp chiếu sau ngày Mùng 3 Tết (14/2). Sáng đèn tạm rút lui để trở lại vào tháng 3, trong khi đó Trà rời rạp, không thông báo ngày trở lại.

Lúc khởi chiếu, từ báo chí, reviewer trên mạng xã hội cho đến khán giả dành tình cảm lớn cho bộ phim khai thác về gánh hát cải lương Nam Bộ. Câu chuyện về đề tài cải lương được cho là cảm động, dễ xem nhất trong bốn bộ phim chiếu Tết.

Tuy nhiên, hiệu ứng khi ra rạp mùa Tết của Sáng đèn không như kỳ vọng. Lúc đó, suất chiếu phần lớn dành cho Mai. Phim tạm rút lui với doanh thu ít ỏi là 682 triệu đồng, chờ ngày trở lại vào tháng 3.

Khi Sáng đèn thông báo rút khỏi rạp, khán giả để lại bình luận tiếc, đặt lịch để xem phim. Nói cách khác, phim "được thương" từ khán giả đến giới chuyên môn. Nhưng khi trở lại, Sáng đèn vẫn không đạt hiệu ứng tốt. Sau cùng, phim rời rạp với doanh thu ít ỏi là 3,4 tỷ đồng.

Không bàn đến trường hợp rời rạp vì nội dung kém của Trà, hai bộ phim còn lại mùa Tết là Mai Gặp lại chị bầu bị "soi" nhiều hơn, từ khán giả đến giới phê bình.

Lúc đó, không quá khó để tìm thấy bài viết như "Phim của Trấn Thành bị chê", "Phim của Nhất Trung cũ kỹ", hay những bình luận của khán giả như "Trấn Thành vẫn thích nói đạo lý trong phim", "Không xem phim của Trấn Thành"... Nghĩa là, Trấn Thành và Nhất Trung bị góp ý nhiều nhất mùa Tết, nhưng thực tế những bài đánh giá, góp ý đó không gây ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu.

Mai chốt sổ với doanh thu hơn 520 tỷ đồng, trong khi Gặp lại chị bầu thu hơn 92 tỷ đồng.

Chọn ba bộ phim mùa Tết để thấy rằng, dù Mai Gặp lại chị bầu đối mặt nhiều ý kiến trái chiều hơn hẳn Sáng đèn, hai bộ phim trên vẫn "thắng" ngoài phòng vé do nắm bắt thị hiếu khán giả (đối tượng quan trọng nhất quyết định thành bại của phim).

Phim của Trấn Thành và Nhất Trung đều khai thác câu chuyện tình yêu, gia đình, đề tài dễ xem mùa Tết và kéo chân được khán giả ra rạp. Trong khi đó, Sáng đèn lại kén người xem hơn do đề tài cải lương Nam bộ không phải ai cũng thích.

Tựu trung lại, một bộ phim dù bị góp ý hay "đập búa", điều quan trọng nhất vẫn là nội dung đủ kéo chân khán giả ra rạp.

Từ vụ Xuân Lan cầu cứu: Lời chê của chuyên gia có giết chết một bộ phim ngoài rạp? ảnh 1

Không riêng gì Cái giá của hạnh phúc, bất kể bộ phim nào ra rạp đều nhận góp ý, thậm chí chê bai từ nhà phê bình, khán giả.

Trở lại câu chuyện của Xuân Lan, thực tế cho thấy khán giả không đánh giá quá cao nội dung và kịch bản Cái giá của hạnh phúc. Đó là một trong những lý do khiến phim có nguy cơ thua lỗ dù có "bảo chứng phòng vé" Thái Hòa đóng chính.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, khán giả đánh giá Cái giá của hạnh phúc khai thác nhiều drama khiến phim thiếu thực tế. Hiện, nhiều bài viết cho rằng kịch bản phim có vấn đề, nhất là việc ba người phụ nữ tìm cách trả thù man rợ, trái đạo đức với nhân vật nam trong phim (Thái Hòa đóng).

"Phim non vụng nhiều thứ, dù nỗ lực truyền thông điệp tích cực. Xuân Lan nếu muốn tiếp tục làm phim phải xử lý khâu kịch bản, nếu không khó đi được đường dài", chuyên gia Lê Hồng Lâm đánh giá.

Nói cách khác, không chờ đến khi Lê Hồng Lâm "đập búa", phim của Xuân Lan bị khán giả quay lưng vì khâu kịch bản.

Cái giá của hạnh phúc chung số phận doanh thu tăng chậm với loạt phim Việt gần đây như Quý cô thừa kế 2, Đóa hoa mong manh Trước giờ yêu. Điểm chung của những bộ phim này là kịch bản có phần lỗi thời, nội dung không quá đặc sắc dù đầu tư mạnh về hình ảnh.

Nhà phê bình quyết định thành bại của phim chiếu rạp?

Tháng 6/2023, nghiên cứu của chuyên gia tại Đại học California bác bỏ nhận định cho rằng một bài đánh giá phim của nhà phê bình, nhà báo (dù là nổi tiếng hoặc chỉ là reviewer tay ngang) quyết định sự thành công hay thất bại của bộ phim ngoài phòng vé.

Pantelis Loupos, trợ lý giáo sư tiếp thị và phân tích kinh doanh, tác giả chính nghiên cứu, cho rằng không phải bài đánh giá tiêu cực nào khiến bộ phim trở thành thảm họa phòng vé. Tương tự, không phải bài đánh giá tích nào cũng đủ sức nặng kéo chân khán giả ra rạp.

"Ngay cả BaywatchTomb Raider nhận được những đánh giá tích cực khi phát hành, nhưng rõ ràng doanh thu phòng vé vẫn ảm đạm. Trong khi có nhiều phim bị nhà phê bình chê mạnh nhưng lại hợp thị hiếu khán giả", Pantelis nói.

Từ vụ Xuân Lan cầu cứu: Lời chê của chuyên gia có giết chết một bộ phim ngoài rạp? ảnh 2Từ vụ Xuân Lan cầu cứu: Lời chê của chuyên gia có giết chết một bộ phim ngoài rạp? ảnh 3Từ vụ Xuân Lan cầu cứu: Lời chê của chuyên gia có giết chết một bộ phim ngoài rạp? ảnh 4Từ vụ Xuân Lan cầu cứu: Lời chê của chuyên gia có giết chết một bộ phim ngoài rạp? ảnh 5

Ảnh từ bốn bộ phim Việt đang chiếu dịp Lễ 30/4-1/5 (từ trái qua) gồm Cái giá của hạnh phúc, Đóa hoa mong manh, Trước giờ yêu Lật mặt 7: Một điều ước.

Ở cuối nghiên cứu, tác giả Pantelis Loupos cho rằng đến lúc chúng ta phải thừa nhận "ngành công nghiệp điện ảnh là một câu đố phức tạp và khó đoán”, nghĩa là dù nhà làm phim có giỏi đến mấy, cũng có lúc họ tạo ra thảm họa.

TheoMedium, nhà phê bình phim đóng vai trò cầu nối giữa nhà làm phim và khán giả. Trong thời đại trailer phim nhiều nội dung "đánh lừa", các bài đánh giá cung cấp bản xem trước những gì sẽ xảy ra trong phim, giúp khán giả đưa ra quyết định sáng suốt về việc có nên tiêu số tiền khó kiếm của mình vào bộ phim không.

"Dù không thể quyết định thành bại của một bộ phim, tác động đáng kể nhất của nhà phê bình phim là khả năng định hình kỳ vọng của khán giả. Đánh giá tích cực có thể tạo ra tiếng vang và sự phấn khích, thu hút nhiều người xem đến rạp hơn. Đánh giá tiêu cực có thể ngăn cản những khán giả tiềm năng, nhưng thực tế có nhiều người quyết định ra rạp để xem vì sao phim bị chê", Medium nhận định.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển, bài đánh giá phim ngày càng có sức ảnh hưởng hơn. Những cuộc thảo luận dưới bài viết, tranh cãi giữa ê-kíp và người đánh giá phim, tranh luận giữa khán giả với ê-kíp, giữa người hâm mộ phim với khán giả tiềm năng... là con dao hai lưỡi.

Bởi, điều đó có thể giúp khán giả chú ý đến phim, đôi khi khiến phim bị tẩy chay.

Theo Medium, dù không thể quyết định số phận của một bộ phim chiếu rạp, nhà làm phim không thể xem thường vai trò của người đánh giá, nhà phê bình.

"Không thể đánh giá thấp sức mạnh của giới phê bình, đánh giá phim trong việc định hình kỳ vọng của khán giả, tạo tiếng vang thông qua mạng xã hội. Khi các nhà làm phim cố gắng tạo ra những câu chuyện hấp dẫn thu hút khán giả, các nhà phê bình phim chính là đối tượng đóng vai trò thúc đẩy nỗ lực của nhà làm phim. Các nhà phê bình đang định hình bối cảnh không ngừng phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh", Medium nhận định.

Tin liên quan