Tự tử từ áp lực học tập: Hậu quả của giáo dục chú trọng thi cử

Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến cơ sở 3B quận Tân Bình (nơi một nam sinh thiệt mạng). Ảnh: PV.
Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến cơ sở 3B quận Tân Bình (nơi một nam sinh thiệt mạng). Ảnh: PV.
TP - Sự việc một nam sinh tự tử vì áp lực học tập tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến không phải là trường hợp đầu tiên khi học sinh phải tìm đến cái chết vì áp lực. Sự việc đau lòng này không đơn giản chỉ dừng lại ở một cá nhân, một ngôi trường mà là những cảnh báo cho ngành giáo dục, khi lâu nay triết lý giáo dục chỉ quanh quẩn ở thi cử mà chưa thực sự vì tương lai của chính học sinh.

Giáo dục Việt Nam đang làm ngược?

Thạc sĩ Lê Minh Tiến là giảng viên của khoa Xã hội học- Công tác xã hội- Đông Nam Á, trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, mô hình trường học nội trú như Nguyễn Khuyến cần phải xem lại.

Theo ông Tiến, giáo dục không chỉ có học kiến thức mà phải luyện từ sáng đến chiều tối. Giáo dục còn phải trải nghiệm ngoài xã hội, từ trong gia đình, xã hội, bạn bè. Phải có đủ 3 môi trường là gia đình, xã hội và nhà trường. Mô hình nội trú đã cắt đứt hoàn toàn 2 môi trường là gia đình và xã hội, chỉ còn môi trường nhà trường… Nó chỉ là nơi luyện học, luyện thi chứ không phải là giáo dục đúng nghĩa.

Thứ hai, áp lực học tập ở Việt Nam mình đi ngược lại với thế giới. Bậc học phổ thông, các kỳ thi phổ thông rất khủng khiếp, chẳng hạn như lớp 6, lớp 10 rồi tốt nghiệp 12. Mình đè quá nhiều áp lực lên phổ thông trong khi các bậc học cao như đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì lại rất nhẹ nhàng (?!).

“Tôi không thấy sinh viên gặp áp lực trong thi cử, không thấy thạc sĩ, tiến sĩ gặp áp lực trong học tập hay thi cử. Với xu thế thế giới, càng lên bậc cao áp lực càng lớn, trong khi ở Việt Nam thì bậc học càng nhỏ càng áp lực cao. Chúng ta đang làm hoàn toàn ngược với thế giới”, ông Tiến nói.

Phân tích ở góc độ phụ huynh, ông Tiến cho rằng, đa phần phụ huynh không hiểu mục tiêu của giáo dục là gì mà chỉ nhìn trên điểm số. “Lúc nào phụ huynh cũng muốn con mình điểm số phải cao trong khi hệ phổ thông chỉ là nơi rèn luyện kiến thức căn bản chứ không phải là nơi trở thành thiên tài, nhưng nhiều người muốn con mình phải giỏi, thi điểm phải cao... Giáo dục ở Việt Nam hiện nay, từ nhà trường đến phụ huynh đều nhìn qua điểm số, một đứa trẻ thi điểm thấp thì mặc định nó là yếu, là không ra gì còn kỹ năng, năng khiếu thì không quan trọng”, ông Tiến dẫn chứng.

Cần xác định lại mục tiêu của việc học

Trong khi đó, ở góc độ dấu hiệu nhận biết áp lực của thi cử, bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft cho rằng việc nhận biết này rất dễ thông qua các hành động như ánh mắt mệt mỏi; ít cười, dễ cáu; ít nói chuyện, cãi lại bố mẹ; thường xuyên đóng cửa, ngại giao tiếp; thường xuyên có những dòng trạng thái bi quan, chán nản…

Khi bắt gặp con em mình có những hành vi trên thì phụ huynh cần ngay lập tức xem lại thời khóa biểu. Cụ thể, thời gian học tối đa chỉ từ 8- 10 giờ/ ngày, nếu vượt quá thời gian này thì nên can thiệp bằng cách cho con chơi thể thao (các môn dùng đến thể lực…). Tiếp đó, phụ huynh cần tìm hiểu xem trẻ thường chơi với ai, từ đó tăng cường giao tiếp để nắm bắt các thông tin.

Cũng theo bà Quyên, mục tiêu giáo dục của chúng ta hiện nay đang đi lệch hướng. Cụ thể, ngày xưa, chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là học để làm quan, rạng rỡ gia đình. Nhưng thế kỷ 21, việc học không còn duy nhất một mục tiêu là làm quan nữa, quan điểm khoa bảng đã khác, mình chứng là xã hội ngày nay có nhiều người không học trường chuyên, lớp chọn, thậm chí không đại học vẫn thành đạt, vẫn hạnh phúc…

“Chúng ta cần xác định lại mục tiêu của việc học, cần định nghĩa là việc học, định nghĩa lại sự thành công của một đứa trẻ. Điểm số chỉ có giá trị trong một năm học hoặc nhiều nhất là trong một cấp học, điểm số đó không đảm bảo được thành công của một đứa trẻ trong tương lai, không chứng minh được nhân cách của nó”, bà Quyên nói.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM nói: “Sở sẽ yêu cầu các phòng ban, nhất là Phòng Giáo dục trung học, nghiên cứu để có biện pháp chấn chỉnh các trường này. Nếu các trường tư thục giáo dục bằng phương pháp đòn roi như một số phản ánh thì quan điểm của sở là không chấp nhận”.

Nguyễn Dũng

“Cha mẹ nào cũng đều muốn tốt cho con, con tôi dại dột...”

Trước khi nhảy lầu tự tử, H.T.C học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) đã viết thư tuyệt mệnh để lại. Điều này khiến dư luận hoài nghi do áp lực căng thẳng của thành tích học tập, là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của em này.

Căn nhà của C. nằm ở vị trí trung tâm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Những người thân trong gia đình, ngay cả những người hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng khi sự việc xảy ra. Khuôn mặt hốc hác, vì thương con, ông T. (bố của C) tâm sự, gia đình luôn động viên con trong cuộc sống, cũng như học tập. Do muốn C. có điều kiện học tập, sau khi học hết cấp 2, gia đình đã xin cho em vào học tại trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh). Quá trình đi học ở TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng ông T. thường xuyên đón xe vào thăm con.

Dư luận cho rằng, do cha mẹ đặt nặng thành tích học tập nên đã vô tình gây áp lực, đã trở thành gánh nặng tâm lí lên đầu con trẻ. Khi mục đích không đạt được, phút giây bồng bột, thiếu kiềm chế khiến C. đã ra đi mãi mãi. “Vấn đề gây sức ép hay không thì tự gia đình tôi tự biết. Trên thế giới này, có hàng tỷ người… cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con cái. Con tôi dại dột, và đã mất rồi… gia đình phải chấp nhận điều đó, biết làm sao được”, bố C. cho biết.

Một người hàng xóm cho biết, gia đình C. có 3 người con và được xem là hộ có điều kiện về kinh tế. “Bố mẹ C. tính tình hoà đồng với hàng xóm. Nhưng do nghề buôn bán, nên gia đình C. sáng đi rất sớm… tới tối mới về, nên cũng ít khi có điều kiện gặp gỡ với hàng xóm”, một người dân ở phường An Lạc tâm sự.       

Vũ Long

MỚI - NÓNG