Quả cầu tuyết từ thiện
Mạng xã hội phát triển, thông tin, hình ảnh về tai nạn, rủi ro đều có thể cập nhật ngay và luôn. Lũ lụt, hạn hán, trẻ con cởi truồng chạy trên băng tuyết, những trường hợp bệnh tật hiểm nghèo cần cứu giúp, dưa hấu ế, hoa ly nở sớm v.v… Một người đứng ra lập topic: “hãy cứu giúp”, lập tức hình thành quả cầu tuyết, càng lăn càng to. Cho đến khi nó tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, nhiều khi đến mức cực đoan, kiểu “đứa nào không mua dưa hấu đều là quân độc ác”. Nhiều người mừng, vì xã hội bây giờ “nhân ái đấy chứ”. Có khó khăn gì cứ hô lên là dân tình xô vào giúp.
Theo ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chỉ tính riêng phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" Xuân Bính Thân 2016, đã có 123.181 tổ chức, cá nhân và 1.788 doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Hội trong việc vận động và trao quà Tết cho đồng bào nghèo. Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", đã lập được hơn 900.000 hồ sơ "địa chỉ nhân đạo", vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trợ giúp thường xuyên, bền vững gần 700.000 "địa chỉ".
Ông Đoàn Văn Thái (trái) trong một lần đi trao quà từ thiện. Ảnh: Xuân Tùng.
Gần hơn là tổ chức cứu trợ đồng bào khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, với hơn 14.000 hộ gia đình hưởng lợi, tổng trị giá cứu trợ gần 5,4 tỷ đồng.
Tỉ lệ thuận với những thông tin này, lại đang phổ biến hoài nghi: chúng ta làm từ thiện có hiệu quả không, đúng cách không?
Thương không phải cách
Khi mới vào nghề, tôi quen một nhóm Việt kiều rất thích gửi tiền về nước làm từ thiện. Họ không muốn thông qua các tổ chức nhà nước, mà theo những địa chỉ “cần giúp đỡ” trên các báo, gửi tiền tận nơi. Ở Việt Nam, tôi được phân công tìm các địa chỉ “đáng thương”, đi trao tiền (hoặc gửi qua bưu điện nếu ở xa) và giữ liên lạc với các trường hợp đó. Để công việc minh bạch, tôi chụp lại thư tay, biên lai gửi tiền và cả thư cảm ơn của các gia đình khó khăn, để gửi lại các nhà hảo tâm.
Sự cho và nhận diễn ra suôn sẻ. Cho đến lúc qua nhiều nguồn, tôi biết được số tiền từ thiện được dùng vào những việc gì.
Cửa hàng Goodwill.
Một anh chồng mất vợ, con trong đợt lũ quét năm 2002 ở thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh dùng một nửa số tiền chúng tôi gửi để “ăn một bữa ra trò ở nhà hàng thành phố, không có nhỡ chết bất ngờ như vợ, lại chẳng biết mùi đời là gì” (nguyên văn).
Một hộ nghèo ở xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang bị trận lũ lịch sử năm 2004 cuốn mất nhà. Chúng tôi và một hội khác ở Hà Nội gửi tiền giúp họ dựng lại nhà. Nhưng lý do tiền không đủ, họ dựng nhà tạm và dùng tiền mua cái Wave Tàu để chạy đường núi. Không lâu sau, con trai nhà này bị ngã gãy chân do đi Wave Tàu lên rẫy.
Một gia đình khác ở xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, được chúng tôi góp tiền giúp chữa bệnh cho con. Con khỏi ốm, họ viết thư xin tiền tiếp để xây nhà tắm…
Những ví dụ kiểu này khá nhiều. Duy trì được khoảng hai năm, nhiệt tình của tôi và nhóm Việt kiều tan rã. Về sau, có dịp ngồi với tình nguyện viên người Pháp Catherine Moore, tôi kể chuyện này, chị trố mắt bảo: ở chỗ tao, không bao giờ có chuyện cho tiền trực tiếp như vậy. Nếu mày cho người ta tiền quá dễ dàng, họ sẽ dùng sự nghèo đói để mưu sinh!
Gần đây nữa, trong đợt rét đậm rét hại ở Lào Cai, gần như nửa Hà Nội rủ nhau quyên áo ấm giúp người Mông. Rất nhanh sau đó, cũng là dân mạng phát hiện, người dân tộc hoàn toàn không mặc quần áo “viện trợ”. Anh Trần Văn Vĩ, (Công ty du lịch Hòa Bình – nick facebook là Trương Chi) kể: “Dân tộc Mông vốn là một tộc người sống khép kín và rất bí ẩn. Phụ nữ Mông, ai cũng biết thêu thùa may vá, tất cả đều là tự làm lấy. Họ tự hào về điều đó và phụ nữ người Mông sẽ chỉ mặc quần áo của mình làm ra, họ không mặc của ai kể cả cùng là người Mông”.
Cửa hàng Myrorna.
Của cho không bằng cách cho
Lập hội, nhóm từ thiện đã trở thành một hoạt động phổ biến. Xuất phát từ quy ước: “Hoạt động nhân đạo, từ thiện là hoạt động tự giác, từ tâm, ai cũng có thể tham gia, tổ chức nào cũng có thể thực hiện, miễn là tham gia/thực hiện với một động cơ trong sáng, không vụ lợi, không lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng hình ảnh cá nhân/tổ chức hoặc vì mục tiêu không liên quan khác. Người có nhu cầu lập tổ chức (Hội, hiệp hội...) hoạt động nhân đạo/từ thiện chỉ cần đăng ký thành lập tổ chức theo quy định của Nghị định 45 của Chính phủ về Hội. (Trích ý kiến của ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)
Cùng với sự lan tỏa của mạng xã hội, làm từ thiện đôi khi giống như mode. Đi từ thiện thực chất là du lịch, chỉ nhăm nhăm chụp ảnh selfie. Cho người ta những thứ mình có. Dùng được hay không là chuyện của người nghèo! Có nhóm còn không thèm quan tâm đồ cứu trợ của mình có được dùng hay không.
Cũng có một số người nhân việc từ thiện, tranh thủ “tống” quần áo, chăn màn cũ. Ai làm tình nguyện viên từ thiện tham gia khâu phân loại quần áo đều biết điều này. Có người “giúp người nghèo” cả bao quần áo, nhưng cái rách, cái bạc, cái doãng, chỉ có thể bỏ làm giẻ lau.
Riêng về vụ “đồ cũ không biết tống đi đâu”, bạn Nguyễn Hải Hà - du học sinh (ĐH Pittspurgh - Mỹ) ao ước: nếu có tiền tôi sẽ lập một cái Goodwill ở Việt Nam.
Goodwill xuất phát từ một cửa hàng chuyên nhận đồ tài trợ (chứ không phải bỏ tiền thu mua). Ví dụ, trong nhà bạn có một số đồ cũ nhưng vẫn còn dùng tốt, bỏ đi thì phí mà cho thì chẳng biết cho ai. Vậy là bạn có thể mang chúng đến các thùng nhận đồ ủng hộ của Goodwill hoặc mang chúng trực tiếp đến cửa hàng của Goodwill. Goodwill có một hệ thống thùng thu gom đồ cũ tại những nơi công cộng ở khắp nơi trên nước Mỹ và 22 nước khác. Không thiếu thứ gì cho sinh hoạt gia đình, được các tình nguyện viên phân loại, sửa chữa, đánh bóng, sơn sửa lại… rồi bán với giá rẻ.
Doanh thu và lãi từ hoạt động bán hàng của Goodwill sẽ được dùng để dạy tiếng Anh (hoặc tiếng sở tại) cho người nhập cư, trẻ em thất học, người lớn mù chữ…; tìm kiếm việc làm cho người thất nghiệp; cung cấp nhà cho người vô gia cư cư trú qua đêm; cứu trợ cho những nơi thiên tai… Ở Thụy Điển cũng có một tổ chức tương tự mang tên Myrorna.
Trở lại với việc nhân danh từ thiện, có người còn nhờ nó để kiếm tiền. Còn nhớ đợt cuối năm 2013 cộng đồng facebook xôn xao trước thông tin về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền ủng hộ cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn của nick name Ruby Trịnh. Trước đó, Ruby Trịnh đã tự đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Các ông bố và bà mẹ Nhân ái ở Hà Nội”, kêu gọi giúp đỡ cho trường hợp bé Nguyễn Thị Ngọc Ánh (10 tháng tuổi, bị dị dạng bộ phận sinh dục). Trong một thời gian ngắn, Ruby Trịnh đã quyên được hơn hai mươi triệu đồng. Sau đó, nick này đã biến mất trên mạng xã hội, mang theo toàn bộ số tiền quyên được.
Đồng nghiệp của tôi ở báo An ninh thế giới kể: Báo anh đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ tiền để giúp em bé chữa bệnh. Bệnh của con khỏi, anh với bố nạn nhân thành bạn bè. Trong một lần chén chú chén anh, ông bố kia vỗ vai anh bảo: Chú làm thêm bài nữa cho anh, lần này được bao nhiêu, anh chia chú một nửa!
Kết thúc câu chuyện anh bảo tôi: Từ nay anh không làm từ thiện kiểu cho người ta con cá nữa, anh muốn giúp họ có cái cần câu. Đi cho con cá mãi, mệt mình, mà có khi còn hại họ.
Cho cần câu khó hơn cho con cá, ai quan tâm đến từ thiện cũng biết điều đó. Cần nhiều thời gian, công sức hơn, thậm chí nhiều tiền bạc hơn. Hiệu quả cũng tốt và lâu bền hơn!
Sáng tạo trong cách cho
Lê Cát Trọng Lý hát trong Khù Khờ Tour.Mấy năm trước, Phan Ý Ly thực hiện dự án “Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi”. Ly khi ấy đang mang bầu, cô đến khu vực bãi giữa sông Hồng, nơi 19 hộ gia đình sống trên thuyền làm đủ mọi việc kiếm sống. Ly tổ chức những buổi trò chuyện và chia sẻ, sau đó trao máy quay phim cho bảy đứa trẻ để chúng tự bộc lộ về cuộc sống của mình.Khi đó tôi hỏi Ly “tại sao không dạy bọn trẻ tiếng Anh, hay một nghề nào đó, thiết thực với cuộc sống nghèo khó hơn, mà lại dạy những đứa trẻ “đói nghèo và thất học” quay phim”? Ly trả lời: mục tiêu của dự án không phải là dạy các em biết cách cầm máy quay, mà là để những người như các em được nói về cuộc sống của mình, suy nghĩ và mơ ước của mình. Chúng ta, đôi khi nhìn những người yếu thế bằng con mắt chủ quan, áp đặt cái gì là tốt cho họ, tiếp cận họ với một tinh thần “dạy dỗ”, hơn là “hợp tác”.
Dự án kết thúc, tác phẩm “Thảo nguyên xanh tươi” đoạt “giải đúp” của Ngân hàng Thế giới trong Ngày sáng tạo Việt Nam. Rất nhiều đoàn thể, tổ chức đã liên hệ với dự án để thăm và thực hiện các chương trình với cộng đồng người dân bãi Giữa. Tâm, một trong 7 em nhỏ làm phim, đã được theo học khóa 14 của Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Koto. Cuộc sống của Tâm hoàn toàn rẽ sang một ngã khác.
Mới đây nhất, “Khù Khờ tour” của Lê Cát Trọng Lý và những người bạn đã lập ra trang “Khù Khờ học” – cầu nối giữa người làm từ thiện và người cần giúp đỡ.
Theo đó, Khù Khờ Tour đi qua 17 tỉnh thành, hơn 5.000km dọc Việt Nam, Lý hát 20 chương trình trong 33 ngày, tương tác và chia sẻ với hơn 1.000 người gồm các em nhỏ, các bà mẹ, các em gái vị thành niên và công nhân nhà máy. Khù Khờ Học đã gặp gỡ 157 trường hợp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và lập được 25 hồ sơ khuyến học. Chương trình Khù Khờ kết thúc thu được 180 triệu tiền vé và dùng toàn bộ số tiền đó để bảo trợ được 5 em học hết đại học.
Một trường hợp khác, “cai xây dựng” Phạm Đình Quý - các nhóm từ thiện lớn không ai là không biết. Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ trẻ em vùng cao được đến trường, anh Quý đã đi rất nhiều huyện nghèo ở mấy tỉnh Hà Giang, Điện Biên để khảo sát những ngôi trường không đủ điều kiện an toàn. Về, anh lập danh sách, kèm ảnh, tên, điện thoại của thầy cô hiệu trưởng và lập thành hồ sơ đi xin tài trợ để xây trường với giá gốc. Đến nay, anh Quý và nhóm thợ của mình đã xây dựng được hàng chục ngôi trường bán trú mới cho trẻ em miền núi. Các tổ chức từ thiện lớn như “Cơm có thịt”, quỹ Thiện Tâm (tập đoàn Vingroup)… có nhu cầu xây trường cho trẻ em vùng cao đều tìm đến anh. Trên facebook của anh Quý gần như mỗi ngày đều cập nhật tiến độ xây dựng và số tiền chi công khai cũng như minh bạch tiền ủng hộ.