Từ thiện

Từ thiện
TP - Cho mình. Tam Phượng theo nhà sư đi làm từ thiện. Khi trao tiền cho người nghèo, nhà sư im lặng. “Sao không chúc người nghèo có phúc đức?”, Tam Phượng hỏi. Nhà sư trả lời: “Không thể lợi dụng chút tiền để tuyên truyền”. 

Tặng quà cho học sinh, nhà sư không chúc “cố gắng học giỏi” và giải thích: “Đây là quà tặng chứ không phải phần thưởng”. Nhà sư cũng không chịu đứng với học sinh để chụp ảnh đăng báo, thì thầm nói: “Làm từ thiện là làm cho mình, mình đã được nhiều rồi”.

Không thất vọng

Một người đến chùa cầu cúng, ngồi lại với nhà sư hứa giúp chùa khoản tiền lớn. Tam Phượng vào tiếp trà thì khách đổi thế ngồi, dạng rộng hai chân, bấm điện thoại bảo Tam Phượng: “Nói chuyện với thằng tổng giám đốc em tớ”, gõ ngón tay lách cách lên bàn. Khách khoe quen nhiều quan to, người giàu. Khách đi rồi, Tam Phượng nói: “Thế nào ấy, vẻ khó hy vọng”. Nhà sư mỉm cười: “Thì đừng hy vọng”. Vị khách không trở lại và nhớ lời sư, Tam Phượng không thất vọng.

Xét nét

Bữa cơm từ thiện ở chùa, chen giữa người nghèo thường xuất hiện những người vẻ giàu có, đi xe đắt tiền, đeo nhiều nữ trang. Tam Phượng khó chịu: “Ăn phần của người nghèo sao không mắc cỡ”. Nhà sư can: “Biết đâu họ là các Mạnh Thường Quân muốn kiểm tra chất lượng bữa ăn hoặc chia sẻ với người nghèo?”. Tam Phượng vẫn ấm ức: “Vài người nom không có vẻ gì là chia sẻ cả”. Nhà sư càng dấu dịu: “Nhà chùa làm việc thiện, không dám xét nét người khác mà”.

Có gì mà bỏ

Tiếp xúc nhà sư ít lâu, Tam Phượng chợt muốn vô chùa. Nhà sư bảo: “Trong chùa không có việc gì cho anh làm”. Tam Phượng thưa thật: “Tôi đang gặp chuyện buồn, muốn vô chùa để quên đi”. Nhà sư lắc đầu: “Chùa không phải nơi lánh nạn”. Tam Phượng vẫn kiên quyết: “Tôi muốn bỏ hết ở thế tục để tu hành”. Nhà sư nhẹ nhàng hỏi: “Anh đã có gì ở thế tục mà tính bỏ hết?”. Tam Phượng nhìn lại, thấy hầu như chưa có gì cả, nên lại không bỏ.       

Tháng 2/2016

MỚI - NÓNG