“Sao lễ hội ở ta hay làm những thứ to, dài nhất?”. Bật cười: “Vì cách nhìn thô lậu”. Tam Phượng chưa chịu: “Thấy ở đó có nhiều người đeo kính với học vị cao?”. Nhà nghiên cứu thở dài: “Sao lại coi thường trí thức đến thế?”.
Cướp
Một người dự lễ hội cướp được nhiều “lộc”, khuôn mặt hả hê, nhìn thiên hạ đắc thắng. Tam Phượng đi theo nhẹ nhàng hỏi: “Sao phải cướp?”. Ông ta trợn mắt: “Dân đen không cướp thì ai cho?”. Tam Phượng đấu dịu: “Nhưng ông cướp được nhiều, người khác không còn?”. Ông ta cười: “Ai xin, tôi bớt cho, sẵn sàng vui vẻ”. Tam Phượng càng hạ giọng: “Ngày xưa lễ hội sinh ra không phải để cướp ông ạ”. Ông cướp cũng thì thầm: “Nhưng mới phục dựng thời nay, có biết xưa thế nào đâu”.
Rách việc
Năm ấy làng mở hội to, có lễ cày ruộng cầu mùa màng bội thu nhưng nửa chừng cày gãy nên mất vui. Tam Phượng phỏng vấn ông có cái cày gãy. Ông độp: “Biết nơi khác mở hội chém lợn, đập trâu không?”. Tam Phượng nói: “Lễ hội ấy hủ lậu lắm”. Ông gạt phăng: “Nhưng có miếng ăn”. Tam Phượng cười: “Sao chỉ lo ăn?”. “Còn hơn làm nông đã cày máy hết rồi, bày đặt cày tay làm gì? Rách việc!”, ông bỏ đi. Tam Phượng nhìn theo, buột miệng: “Đúng là rách việc!”.
Cầu cúng
Vợ chồng nhà nghèo ở đậu chùa hoang. Đột nhiên, đông người đến chùa cầu cúng, vợ chồng nghèo quay trong nhang khói mà giàu. Chùa càng đông! Tam Phượng đến thấy ông chồng ngồi bảnh choẹ, hỏi: “Chùa này cầu gì thiêng?”. Đáp liến thoắng: “Cầu gì cũng thiêng nên có nhiều bàn thờ. Muốn cầu nhiều thì đổi tiền lẻ đặt nhiều chỗ”. Nhìn quanh, Tam Phượng hỏi: “Vợ ông đâu?”. Đáp gọn hơ: “Đánh bài đâu đó”. “Còn con?”. “Bỏ học, theo đám đào vàng rồi”. Nhang rơi khỏi tay, Tam Phượng bỏ về.